Dáng cây, hồn người
Là biểu tượng của thời gian, nhiều cây cổ thụ ở làng quê đã lưu giữ những kỷ niệm gắn với các sự kiện lịch sử, với đời sống tinh thần, tình cảm của người dân địa phương. Người đi xa về gần, nhìn cây thấy quê hương, thấy ký ức của mình trên đó thân thuộc...
"Nhân chứng" lịch sử Cây đa quán Riệp gắn bó với nhiều thế hệ người dân thôn Quan Lộc, xã Tiên Động (Tứ Kỳ) Một buổi sáng đầu mùa đông, vượt hơn 25 km đường 391, chúng tôi về thôn Quan Lộc, xã Tiên Động (Tứ Kỳ). Cây đa quán Riệp trường tồn hơn 5 thế kỷ với thân hình vạm vỡ, xù xì, xòe tán phủ kín một góc làng, một "nhân chứng" chứng kiến sự đổi thay của làng quê. Ông Lâm Thế Huyền (74 tuổi) được coi là "kho lịch sử sống" thôn Quan Lộc kể cho chúng tôi nghe về những hoạt động trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nơi gốc đa. Khu vực này rậm rạp, cây cối mọc um tùm, đường đi lối lại khó khăn và nằm biệt lập với nơi ở của người dân. Cây vươn cao vượt trội so với những cây cối xung quanh nên được sử dụng vào mục đích làm đài quan sát các hoạt động của địch. Xã Tiên Động đã cử ông Lương Văn Kha (đã mất) và bà Trần Thị Hữu (đã hơn 100 tuổi) thay nhau trèo lên cây đa quan sát phía bốt Cõi ở thôn Hàm Hy (xã Cộng Lạc). Nếu thấy quân địch tiến về phía Tiên Động thì báo cho chính quyền xã biết để chủ động các phương án chống địch, đồng thời đưa nhân dân đi sơ tán. Nhờ đó thôn Quan Lộc đã tránh được nhiều trận càn của địch, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Năm 1965, khi Mỹ đánh phá miền Bắc, khu vực cây đa quán Riệp trở thành địa điểm lý tưởng để cất giấu xe ô tô chở pháo của bộ đội. Nơi đây còn chứng kiến sự hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Văn Nhân, một du kích của xã Tiên Động và sự trưởng thành của nhiều cán bộ khác trong xã. Khi hòa bình lập lại, gốc đa quán Riệp lại là nơi đặt kẻng của HTX dùng để báo hiệu cho bà con ra đồng làm việc. Theo thống kê của Hội Sinh vật cảnh tỉnh, Hải Dương hiện có hơn 700 cây cổ thụ có tuổi đời từ 100 năm trở lên. Trong số này nhiều cây gắn liền với các câu chuyện, sự kiện hay chỉ đơn giản là tồn tại như một nét đẹp gắn bó với những hoạt động bình dị diễn ra thường ngày ở làng quê. Vào dịp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2000, thôn Đồng Đội, xã Thống Kênh (Gia Lộc) tổ chức đón bằng công nhận cây duối cổ là cây di sản do Hiệp hội Bảo vệ môi trường và thiên nhiên Việt Nam công nhận. Cũng từ đó, thôn duy trì thêm một nghi lễ trong Ngày hội Đại đoàn kết là chuẩn bị đồ lễ thắp hương tại gốc duối, sau đó mới tổ chức các hoạt động khác của ngày hội. Chả là cây duối cổ này trước đây gắn liền với di tích chùa Vân Khánh. Nhiều cán bộ của tỉnh, huyện về hoạt động tại địa phương và được nuôi giấu tại đây. Đến nay, chùa không còn nhưng cây còn đó. Đã có lúc cây duối cổ tưởng như không thể sống nổi trước sự khắc nghiệt của thời gian, thời tiết. Nhưng với sự chung tay bảo vệ và chăm sóc của người dân thôn Đồng Đội, cây duối cổ đã được hồi sinh. Gần gũi đời sống người dân Cây bồ đề ở xóm 5, thôn Ninh Hải, xã Kim Tân (Kim Thành) xòe rộng, tạo bóng mát thu hút người dân đến nghỉ ngơi trong những ngày nắng nóng. Ảnh: TIẾN THÀNH Sống ngay cạnh gốc cây bồ đề có niên đại khoảng 300 năm, hằng ngày chứng kiến những hoạt động diễn ra dưới gốc cây, bà Nguyễn Thị Tám (ở xóm 5, thôn Ninh Hải, xã Kim Tân, Kim Thành) thấy cuộc sống nơi làng quê thanh bình và vui vẻ, mọi người hòa đồng, yêu thương, gắn kết với nhau. Theo lời kể của bà Tám, vào các chiều hè, để tránh cái nắng nóng gay gắt, oi bức, mọi người trong xóm đều ra ngồi dưới gốc bồ đề để tận hưởng những cơn gió mát lành. Người già thì chơi cờ, thanh niên đá bóng, trẻ em nô đùa và buổi tối các chị em luyện tập dân vũ. “Tôi thấy tình cảm làng xóm được gắn kết, gần gũi, ấm áp hơn thông qua những hoạt động tập thể dưới gốc cây này”, bà Tám nói. Dưới gốc cây đa quán Riệp, hằng năm người dân thôn Quan Lộc tổ chức nhiều hoạt động với mong muốn bồi đắp, gắn kết thêm tình cảm xóm làng. Ông Nguyễn Xuân Thảo, một người trong thôn cho biết năm nào cũng vậy, thôn chọn một ngày cuối tuần của tháng giêng tổ chức gặp mặt, liên hoan văn nghệ và địa điểm tổ chức là dưới gốc đa cổ thụ. Khi rằm tháng tám đến, dưới gốc đa, thôn lại tổ chức cho thiếu niên, nhi đồng đóng vai chú Cuội, chị Hằng múa hát, diễn kịch và phá cỗ Trung thu. Các cây cổ thụ, đại thụ trên địa bàn Hải Dương đều gắn liền với phong cảnh, là một phần không thể thiếu của làng quê. Cây còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ biết trân quý truyền thống văn hóa của địa phương. Nguồn Báo điện tử Hải Dương |
Truy cập hôm nay: 324611
Tổng lượt truy cập: 75592400