Logo
 

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 6 luật vừa được Quốc hội thông qua

Sáng 22/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Chú thích ảnh

Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7

Các luật bao gồm: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024; Luật Lưu trữ năm 2024; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ năm 2024.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì Họp báo.

Xây dựng hệ thống tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) gồm 9 chương, 152 điều; có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Việc xây dựng Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý; bảo vệ quyền con người, quyền công dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) có một số điểm mới liên quan đến vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án nhân dân; đổi mới tổ chức bộ máy của tòa án; thành lập tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt; hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia; hội thẩm, tổ chức xét xử; bảo đảm hoạt động của tòa án...

Đáng chú ý, để công tác tổ chức việc xét xử của các tòa án được thực hiện thống nhất, khoa học, hiệu quả, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân bổ sung một chương mới về "Tổ chức xét xử". Nội dung chương này quy định về lựa chọn ngẫu nhiên thẩm phán, hội thẩm tham gia xét xử; phương thức tổ chức xét xử tại tòa án; quy định về phòng xử án, phòng hòa giải, đối thoại; cách thức bố trí phòng xử án, phòng hòa giải, đối thoại; nội quy phiên tòa, phiên họp; bảo vệ tòa án; tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa.

Tương tự, cũng có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 gồm 9 chương, 89 điều.

Việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 nhằm tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và cam kết thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đáng chú ý, kế thừa các hành vi bị nghiêm cấm từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; cấm lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp của bản thân hoặc người khác để vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hoặc can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ…

Về Luật Lưu trữ năm 2024, Luật bao gồm 3 chương, 65 điều; có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Luật Lưu trữ năm 2024 được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Đại hội XIII về việc hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực lưu trữ nhằm khơi dậy khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Lưu trữ năm 2011, Luật Lưu trữ năm 2024 được xây dựng tập trung làm rõ 4 chính sách lớn. Đó là, thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ thuộc Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam; quản lý tài liệu lưu trữ điện tử đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử; quản lý tài liệu lưu trữ tư; quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Các chính sách trên được quy định thống nhất, xuyên suốt trong toàn bộ Luật Lưu trữ năm 2024.

Hoàn thiện cơ chế về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm 8 chương, 75 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Việc xây dựng Luật nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục hành chính và khắc phục khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Luật quy định cụ thể các nội dung liên quan đến: nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ; các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; điều kiện, trách nhiệm của người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Luật cũng quy định điều kiện, trách nhiệm của người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí; thủ tục trang bị vũ khí quân dụng, thủ tục cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng; nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng, các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ độc lập để bảo đảm an ninh, trật tự...

Đối với Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật gồm 7 chương, 86 điều; có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Việc xây dựng Luật nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trước mắt và lâu dài, bao gồm đảm bảo cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.

Nội dung Luật tập trung vào nội dung liên quan đến nguồn vốn cho đầu tư; nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công nghệ lưỡng dụng; thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nhân tài phục vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; triển khai các dự án đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm mũi nhọn; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ sở công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, động viên công nghiệp...

Việc xây dựng luật nhằm phát huy vai trò chức năng, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trong đảm bảo vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức đổi mới, sắp xếp hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng, hệ thống cơ sở công nghiệp an ninh phù hợp đặc thù công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và gắn với phương thức tác chiến của Quân đội, nhiệm vụ của Công an, đáp ứng với kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu; bảo đảm tập trung, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp...

Bổ sung đối tượng cảnh vệ

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ gồm 2 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn qua 5 năm thi hành, giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật về cảnh vệ phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ và yêu cầu thực tiễn đặt ra, việc xây dựng, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ là cần thiết nhằm bổ sung đối tượng cảnh vệ phù hợp với quy định của Đảng và yêu cầu thực tiễn đặt ra; tách biệt chế độ cảnh vệ và biện pháp cảnh vệ để thuận lợi áp dụng trên thực tế, đồng thời, luật hóa một số biện pháp cảnh vệ lực lượng cảnh vệ đang triển khai thực hiện, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác cảnh vệ trong tình hình mới; bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ và điều kiện bảo đảm thực hiện công tác cảnh vệ...

Về một số nội dung mới, sửa đổi, bổ sung so với Luật Cảnh vệ năm 2017, đáng chú ý, Luật bổ sung đối tượng cảnh vệ gồm Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp trong trường hợp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ để phù hợp với công tác cảnh vệ và đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác cảnh vệ.

Nguồn Báo Tin tức/Báo điện tử Hải Dương

Đang trực tuyến: 3
Truy cập hôm nay: 322796
Tổng lượt truy cập: 72353436