Logo
 

Thảo luận sâu kỹ nhiều vấn đề nóng

Chiều 7.12, trong chương trình Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII, các đại biểu thảo luận tại 4 tổ với 36 lượt ý kiến phát biểu về nhiều vấn đề nóng được đông đảo cử tri quan tâm.

Chiều 7.12, trong chương trình Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII, các đại biểu thảo luận tại 4 tổ với 36 lượt ý kiến phát biểu về nhiều vấn đề nóng được đông đảo cử tri quan tâm.

 Phát biểu thảo luận tại tổ 4, đại biểu Phạm Thị Thanh Tâm, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đề nghị cần tổng hợp, rà soát lại diện tích đất lúa để không vượt chỉ tiêu Trung ương giao

6 nhóm vấn đề gây vướng giải phóng mặt bằng

Phát biểu thảo luận tại tổ, đồng chí Ngô Quang Giáp, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng đã phân tích 6 nhóm nguyên nhân gây vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Theo đại biểu, cơ chế hỗ trợ khi thu hồi đất, bố trí tái định cư và việc song hành tồn tại 2 cơ chế giải phóng mặt bằng; cơ chế ở mỗi tỉnh khác nhau, nhất là với khu vực giáp ranh khiến việc giải phóng mặt bằng gặp khó. Lấy ví dụ trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, ở nhiều khu vực giáp ranh với huyện Lương Tài (Bắc Ninh) và huyện Văn Lâm (Hưng Yên), giá đất thu hồi của tỉnh ta đều thấp hơn khiến người dân không đồng thuận cao. Bên cạnh đó, nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, hồ sơ theo dõi biến động đất đai cập nhật không đủ qua các thời kỳ và đội ngũ cán bộ công chức thực hiện giải phóng mặt bằng chủ yếu kiêm nhiệm nên chưa quyết liệt vào cuộc. Một số chủ đầu tư chưa kịp thời chi trả bồi thường, thậm chí có trường hợp cam kết với nhân dân nhưng thực hiện không đầy đủ. Nhấn mạnh khó khăn về giá thu hồi đất, hỗ trợ tài sản trên đất, đồng chí Ngô Quang Giáp đề nghị HĐND tỉnh quan tâm xem xét để có giá thu hồi đất phù hợp, hỗ trợ tài sản trên đất theo lộ trình.

Thảo luận về công tác giải phóng mặt bằng, đại biểu Trần Hồ Đăng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hải Dương cho biết thành phố có Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản và Ban Giải phóng mặt bằng nhưng để thực hiện nhiều dự án lớn, dự án trọng điểm cũng còn gặp khó và đề nghị tỉnh có biện pháp hỗ trợ giải phóng mặt bằng được thuận lợi.

Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết thành phố hiện có 3 dự án lớn đều phải triển khai trong năm tới và cần tái định cư, giải phóng mặt bằng. Nguồn lực thực hiện dự án là của tỉnh, còn thành phố làm chủ đầu tư. TP Hải Dương cần chú trọng tuyên truyền người dân trong giải phóng mặt bằng.

Đối với các công trình trọng điểm của tỉnh, đại biểu Đặng Xuân Thưởng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Gia Lộc đề nghị sớm có hướng dẫn cụ thể về việc giải phóng mặt bằng ở các khu vực ngoài khu, cụm công nghiệp để huyện sớm thực hiện.

 Phát biểu tại tổ 1, đại biểu Trần Hồ Đăng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hải Dương phản ánh khó khặn trong thực hiện giải phóng mặt bằng với nhiều dự án lớn

Quan tâm quy hoạch nông nghiệp, phát triển nông thôn

Tham gia thảo luận tại tổ về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đại biểu Phạm Thị Thanh Tâm, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đề nghị tỉnh cần tổng hợp, rà soát lại diện tích đất lúa để không vượt chỉ tiêu Trung ương giao. Đại biểu cho rằng tỉnh cần nghiên cứu xem xét nâng mức hỗ trợ bồi thường thu hồi đất và mức hỗ trợ tạo việc làm cho nông dân.

Bày tỏ quan điểm về lĩnh vực này, đại biểu Dương Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nam Sách đề nghị tỉnh quan tâm đến việc hỗ trợ kinh phí cải tạo, nâng cấp các trạm bơm nội đồng vì hầu hết đã xây hàng chục năm và không đáp ứng được yêu cầu tưới tiêu; quan tâm nâng mức hỗ trợ xử lý rác thải nông thôn vì mức hiện nay đã thực hiện hơn 10 năm, không còn phù hợp.

Chuyển tải phản ánh của nhiều cử tri băn khoăn về giá vật tư nông nghiệp ngày càng cao khiến sản xuất nông nghiệp khó khăn, đại biểu Lương Thị Cúc, thành viên Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp sạch Nam Vũ (Thanh Hà) đề nghị tỉnh quan tâm quy hoạch nông nghiệp, ưu tiên sản phẩm vùng miền mang thương hiệu của tỉnh. "Phát triển du lịch nông thôn rất khả thi nhưng thực tế các loại hình du lịch trong tỉnh còn nhỏ lẻ, tự phát, cần tập trung phát triển du lịch như hướng phát triển mới, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn", đại biểu Lương Thị Cúc kiến nghị.

Thảo luận về xây dựng nông thôn mới, đại biểu Trịnh Thị Thủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện Ninh Giang cho rằng năm 2022 tỉnh đã ban hành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu kịp thời, hướng dẫn cụ thể nhưng cần có chính sách hỗ trợ đối với những tiêu chí đòi hỏi nhiều nguồn lực, chia sẻ đối với nông dân và các xã bằng việc tiếp tục hỗ trợ xi măng để các địa phương nâng cấp các tiêu chí.

 Trả lời một số ý kiến liên quan tại tổ 3, đồng chí Lương Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết thời gian tới sở sẽ tham mưu cho tỉnh tiếp tục tạo nguồn tuyển dụng giáo viên

 Báo động nhân lực ngành giáo dục

Đây là vấn đề nóng được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận tại các tổ. Đại biểu Sái Thị Yến, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Kinh Môn đề nghị: "Tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến việc tuyển dụng giáo viên do đợt tuyển dụng vừa qua toàn tỉnh chưa đạt chỉ tiêu được giao. Cùng với đó, hàng trăm giáo viên nghỉ việc trong năm qua ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy và học".

Phát biểu thảo luận tại tổ 2 về lĩnh vực giáo dục, đại biểu Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh cần đẩy mạnh thu hút xã hội hóa trong đầu tư cho giáo dục, quan tâm quy hoạch đất cho giáo dục ở các cấp học. Đồng thời, cần giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư hiệu quả.

Trao đổi, giải đáp ý kiến của nhiều đại biểu, đồng chí Lương Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin thời gian qua, tỉnh khó tuyển dụng biên chế giáo viên do chế độ, chính sách hiện nay thấp, áp lực từ nhiều phía. "Thời gian tới, sở sẽ tham mưu cho tỉnh đầu tư cho những nơi gặp khó khăn về phòng học, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên", đồng chí Lương Văn Việt cho biết.

Nhấn mạnh thông tin từ năm 2020 đến tháng 10.2022, toàn tỉnh có 314 giáo viên, cán bộ quản lý của ngành giáo dục nghỉ việc, nhiều nhất trong tháng 10, đại biểu Đồng Dũng Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Miện cho rằng giáo dục chưa thực sự được quan tâm trong khi đây là ngành quan trọng nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng trong tương lai. Bày tỏ lo ngại khi tình trạng nhân lực ngành y tế rời khu vực công ra khu vực tư nhân, đại biểu đề nghị nên có cơ chế khuyến khích để y tế tư nhân tham gia sâu hơn vào bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Về tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị tại các cơ sở y tế, đồng chí Phạm Hữu Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết đây là vấn đề nóng, được cử tri quan tâm chất vấn và đang được Chính phủ, tỉnh xác định nguyên nhân vướng mắc để tập trung tháo gỡ. Tại Hải Dương, kết quả đấu thầu tập trung thuốc đang còn hiệu lực đến tháng 3.2023 nên cơ bản đáp ứng được.

Nguồn Báo điện tử Hải Dương

Đang trực tuyến: 4
Truy cập hôm nay: 316852
Tổng lượt truy cập: 64994508