ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: TẬP TRUNG MỌI NỖ LỰC TĂNG NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HOÁ
Từ nay đến hết nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, để văn hoá, kinh tế thực sự phát triển bứt tốc, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng cần tập trung mọi nỗ lực tăng năng suất lao động và phát triển công nghiệp văn hoá.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Phóng viên: Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đất nước ta đã vững vàng vượt qua các thách thức, tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Đại biểu ấn tượng với những kết quả nào trên lĩnh vực văn hóa, kinh tế và an sinh xã hội?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tôi cho rằng, trong lĩnh vực văn hóa, từ ngay sau Đại hội XIII của Đảng đã có những chuyển biến mạnh mẽ và vô cùng tích cực. Sự kiện đầu tiên chúng ta không thể không nhắc đến là Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021). Sau 75 năm kể từ khi Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức ngày 24/11/1946 tại thủ đô Hà Nội, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ 2 này đã đề ra phương hướng, hiệm vụ trọng tâm của công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 - 2026 tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị đã thể hiện một cách thuyết phục sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội với công tác văn hóa; sự đề cao, nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong đời sống, trong sự phát triển toàn diện của quốc gia, dân tộc.
Từ sau Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội về phát triển văn hóa; đặc biệt là việc thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021; kết luận của chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội thảo Văn hóa năm 2022.
Vê thể chế, chúng ta đã dần hoàn thiện được khung pháp lý về văn hóa. Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và có hiệu lực đã có nhiều đề án, kế hoạch và hoạt động điện ảnh được xây dựng, triển khai như: xây dựng Đề án "Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến"; Đề án "Xây dựng hệ thống số hóa dữ liệu phát hành, phổ biến phim tại Việt Nam"; ban hành Kế hoạch sản xuất và đặt hàng các chương trình phục vụ đồng bào các dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo năm 2022; dự án Luật Di sản Văn hóa cũng đang được xem xét để đề xuất Quốc hội sửa đổi…
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều di sản của Việt Nam được các tổ chức văn hóa thế giới vinh danh như nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng và văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (Hà Tĩnh) được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thánh BÌnh Dương của UNESCO ghi danh là di sản tư liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Bộ Văn hóa , Thể thao và Du lịch tích cực hướng dẫn các địa phương xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đệ trình UNESCO...
Cùng với đó, công tác xếp hạng, tu bổ, phục hồi di tich, di sản cũng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Các nội dung, dự án về văn hóa trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tập trung triển khai, đạt kết quả tốt đẹp bước đầu.
Về kinh tế, kể từ Đại hội XIII của Đảng đến nay, chúng ta đã trải qua những cung bậc thăng trầm đáng nhớ. Ngay sau Đại hội là thời gian 02 năm dịch bệnh COVID- 19 hoành hành dữ dội. Những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu, kế hoạch chủ yếu xây dựng cho cả nhiệm kỳ được hoạch định trong giả định tình hình bình thường. Tuy nhiên với sự diễn biến bất thường và khốc liệt của dịch bệnh, bài toán phát triển kinh tế trở nên nan giải hơn rất nhiều bởi những thách thức từ bối cảnh nhịp sống toàn cầu thực sự bị đảo lộn vì dịch bệnh.
Tuy nhiên, điều ấn tượng nhất đối với chúng ta là việc vừa chống dịch thành công vừa phát triển kinh tế. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian 2 năm dịch bệnh thực sự đáng tự hào.
Quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát triển kinh tế trong nhiệm kỳ có nhiều điểm mới: đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển đất nước nhanh và bền vững; hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong thời gian qua, chúng ta cũng đã rất nỗ lực bám sát quan điểm chỉ đạo trong phát triển kinh tế. Nhất là việc cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai, tài nguyên để đất đai, tài nguyên được sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả cao; cơ cấu lại kinh tế vùng…
An sinh xã hội cũng đã được quan tâm đúng mức. Nhất là trong và ngay sau khi xảy ra dịch bệnh COVID- 19, chúng ta đã có những chương trình hỗ trợ ý nghĩa và kịp thời đối với các đối tượng chính sách, những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh như trẻ em mồ côi bởi dịch bệnh, công nhân mất việc làm... Bởi thế, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, để lại nhiều hậu quả nặng nề, dù tình hình thế giới có rất nhiều biến động khó lường trong thời gian qua nhưng bức tranh kinh tế, xã hội của đất nước vẫn khá hài hoà với gam màu tươi sáng.
Phóng viên: Từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội khoá XIII, dự báo còn rất nhiều khó khăn, thách thức cả trong và ngoài nước, bà có đề xuất gì để văn hóa, kinh tế nước ta thực sự bứt tốc, đạt và vượt mục tiêu đề ra?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Đúng là từ nay đến hết nhiệm kỳ sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức cả trong nước và quốc tế. Để văn hoá, kinh tế thực sự bứt tốc, tôi đề xuất tập trung vào một số công việc sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện, nâng cao thể chế. Khẩn trương rà soát hệ thống pháp luật, kịp thời sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ những khó khăn, bất cập do các quy định của pháp luật trong việc phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, tăng cường và nâng cao chất lượng của công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm pháp luật; chấn chỉnh đạo đức công vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với công việc, nhất là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Thứ ba, tập trung mọi nỗ lực để tăng năng suất lao động. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong những mấu chốt để đạt tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch.
Thứ tư, tiếp tục quan tâm đến văn hoá, đặc biệt là phát triển công nghiệp văn hoá.
Thứ năm, quyết liệt thực hiện hiệu quả các chương trình, mục tiêu, các đề án, dự án trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn Cổng TTĐT Quốc hội
Truy cập hôm nay: 311736
Tổng lượt truy cập: 57449032