Logo
 

Bánh gai, giò chả Ninh Giang tăng gấp đôi sản lượng tiêu thụ nhờ Chương trình OCOP

Ngày 31/8, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hải Dương khảo sát kết quả thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tại các huyện Ninh Giang, Cẩm Giàng.

W_z4652970339250_fbebd8ef985af678c37934170cc2ce6d.jpg

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hải Dương khảo sát tại Xí nghiệp Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hùng Sơn ở xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang)

Tại huyện Ninh Giang, Đoàn khảo sát tại Xí nghiệp Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hùng Sơn và Cơ sở sản xuất bánh gai, bánh gấc Tuyết Nga.

Theo báo cáo của UBND huyện Ninh Giang, địa phương hiện có 6 trong tổng số 12 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử. Sau khi được chứng nhận OCOP, giá trị kinh tế và chất lượng của các sản phẩm được nâng lên rõ rệt. Một số sản phẩm có sản lượng tiêu thụ tăng gấp đôi so với trước khi tham gia chương trình, như bánh gai, bánh gấc Nga Tới ở thị trấn Ninh Giang (4.000 – 5.000 cái/ngày), giò chả làng Bói ở xã Tân Hương (100 kg/ngày), có các đối tác ký hợp đồng tiêu thụ lâu dài.

Một số sản phẩm như cà chua trứng, dưa chuột dầm dấm của Xí nghiệp Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hùng Sơn được xuất khẩu sang nước ngoài.

W_z4652970274605_e12d7130aa1c7f201b75aa01c8230107.jpg

Sản lượng tiêu thụ bánh gai, bánh gấc Nga Tới tăng gấp đôi so với trước khi tham gia Chương trình OCOP

Tuy nhiên, ở huyện Cẩm Giàng, chuyển biến từ Chương trình OCOP chưa rõ rệt. Sau 4 năm triển khai thực hiện chương trình, huyện có 20 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên. Đến nay, 19 sản phẩm có giấy chứng nhận OCOP còn thời hạn, sản phẩm rượu Phú Lộc đã hết hạn giấy chứng nhận OCOP 4 sao nhưng không đề nghị cấp lại.

Theo báo cáo của UBND huyện Cẩm Giàng, một số sản phẩm sau khi được cấp giấy chứng nhận OCOP có khả năng tiếp cận thị trường không cao hơn so với trước khi tham gia chương trình, không mở rộng quy mô sản xuất, nâng cấp chất lượng, bao bì, tem nhãn. Nguyên nhân do các cơ sở sản xuất năng lực quản lý, tài chính hạn chế và quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa xác định được lợi ích của mình trong việc tham gia chương trình. Hồ sơ thủ tục tham gia chương trình nhiều nên chủ thể ngại thực hiện.

UBND huyện Cẩm Giàng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ tư vấn làm hồ sơ sản phẩm, phân tích chất lượng, bao bì, tem nhãn trong thời gian tới. Đồng thời có cơ chế hỗ trợ máy móc, thiết bị cho các cơ sở tham gia Chương trình OCOP.

W_z4652970308270_7bae994887aecd728bb80f1ad1774e91.jpg

Đoàn khảo sát một hộ kinh doanh trứng gà ở xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng)

Sau buổi khảo sát này, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hải Dương sẽ làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, ngày 25/8, ban đã khảo sát tại huyện Kim Thành và TP Hải Dương về nội dung này.

Nguồn Báo điện tử Hải Dương

Đang trực tuyến: 3
Truy cập hôm nay: 311729
Tổng lượt truy cập: 57449025