Kết quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng 9 tháng đầu năm 2018
Thực hiện công văn số 470/TTr-Vp ngày 13/8/2018 của Thanh tra tỉnh về việc báo cáo kết quả công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng 9 tháng đầu năm 2018, Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh báo cáo kết quả như sau:
A. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Với vị trí, chức năng của mình, Văn phòng HĐND tỉnh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. 9 tháng đầu năm 2018 Văn phòng HĐND tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu, giúp việc cho Thường trực HĐND tỉnh, việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được duy trì thường xuyên và đi vào nề nếp, đạt kết quả tốt.
Văn phòng HĐND tỉnh đã phân công 01 đồng chí Phó Chánh Văn phòng theo dõi lĩnh vực thông tin - dân nguyện, thực hiện tiếp công dân cùng Thường trực HĐND tỉnh; tổng hợp, tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh thường xuyên tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Các đơn thư gửi đến Thường trực HĐND tỉnh được lập hồ sơ theo dõi, xử lý theo đúng luật, thẩm quyền và thời hạn.
I. Kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Công tác tiếp công dân
Văn phòng HĐND tỉnh đã chủ động phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Ban tiếp công dân của tỉnh, cử cán bộ tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh; đồng thời chuẩn bị các nội dung để phục vụ hoạt động tiếp công dân của Thường trực HĐND tỉnh theo định kỳ 01 lần/tháng theo Lịch tiếp dân của Ban tiếp công dân tỉnh (Vào thứ 3 đầu tiên của mỗi tháng).
Tính đến thời điểm hiện nay, đã tổ chức 09 đợt tiếp công dân với 197 lượt tương đương với 326 người, trong đó có 21 lượt đoàn đông người. Nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân chủ yếu là lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, ô nhiễm môi trường, phòng chống tham nhũng và thực hiện các chế độ chính sách.
2. Tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo
a. Tiếp nhận đơn thư
Tính đến hết 04/9/2018, Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh đã tiếp nhận 40 đơn thư của công dân gửi đến, trong đó: Đơn tố cáo: 8 đơn, chiếm 20%; Đơn khiếu nại và kiến nghị, phản ánh: 32 đơn, chiếm 80%,.
b. Nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo
- Nội dung khiếu nại trong lĩnh vực Hành chính chủ yếu tập trung về đất đai, như: tranh chấp quyền sử dụng đất, chính sách pháp luật về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, những vướng mắc trong việc cấp giấy CNQSDĐ. Lĩnh vực Tư pháp khiếu nại về những vấn đề chưa thỏa đáng trong xét xử của Tòa án, trong quá trình điều tra của Công an.
- Nội dung đơn tố cáo theo lĩnh vực Hành chính chủ yếu tập trung đất đai, hầu hết là những vụ việc tồn đọng từ lâu, đã qua nhiều cấp, ngành có thẩm quyền giải quyết nhưng nhân dân vẫn chưa đồng tình; ngoài ra, còn nhiều đơn thư tố cáo về những vướng mắc, sai phạm trong việc thực hiện chính sách pháp luật đối với Người có công với Cách mạng. Lĩnh vực Tư pháp nội dung đơn tố cáo chủ yếu tập trung vào tham nhũng, việc bao che cho những sai phạm cấp dưới của lãnh đạo, một số hành vi, thái độ không đúng đắn của cán bộ, công chức tại các cơ quan công quyền.
- Thư kiến nghị, phản ánh có nội dung đa dạng, liên quan đến tất cả các vấn đề trong đời sống. Tuy nhiên, tập trung nhất vẫn là những vướng mắc giữa các cá nhân về tranh chấp đất đai, quyền sở hữu tài sản và chế độ chính sách cho người có công.
c. Về xử lý đơn thư của công dân
Qua xem xét, phân loại đơn, Thừa lệnh Thường trực HĐND, Văn phòng HĐND tỉnh đã:
- Chuyển 10/40 (chiếm 25%) đơn đến các cơ quan, đơn vị, các sở, ngành, UBND cấp huyện để xem xét, trả lời công dân (mỗi một đơn thư chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết đều có văn bản thông báo riêng gửi đến công dân).
- Lưu 24 đơn do có nội dung khiếu nại, tố cáo có nội dung không rõ ràng, trùng lắp hoặc đã có xử lý của các cơ quan chức năng; lưu 06 đơn nặc danh.
- Không có đơn thư nào đến thời hạn còn đang xử lý.
d. Về xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo đông người
Tổng số đơn thư đông người: 07 đơn; trong đó chuyển 02 đơn về việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, về môi trường đã chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; lưu 05 đơn nặc danh
3. Kết quả xây dựng, hoàn thiện thể chế và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo
Để thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Văn phòng HĐND tỉnh đã tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương ban hành một số văn bản về tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo:
- Kế hoạch số 181/KH-HĐND ngày 29/9/2016 về việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ánh của công dân gửi HĐND, đại biểu HĐND các cấp tỉnh Hải Dương, nhiệm kỳ 2016 - 2021.
- Chương trình tiếp công dân năm 2018 của Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương khoá XVI, nhiệm kỳ 2016-2021.
II. Đánh giá công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Những kết quả đã đạt được
9 tháng đầu năm 2018, quán triệt chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi sát sao của Thường trực HĐND tỉnh, Văn phòng HĐND tỉnh đã tiếp nhận và chuyển đơn thư của công dân tới các cơ quan chức năng theo đúng thẩm quyền.
2. Những hạn chế, vướng mắc
- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhất là về lĩnh vực đất đai còn chồng chéo; Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai còn nhiều bất cập, việc giải quyết khiếu nại tố cáo chưa đảm bảo công khai, dân chủ và còn nhiều lúng túng, đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành, các cấp.
- Một số cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo khi nhận được đơn, thư của Văn phòng HĐND tỉnh thừa lệnh Thường trực HĐND tỉnh chuyển đến chưa nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của mình theo Luật định.
III. Phương hướng nhiệm vụ của công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Về công tác tiếp dân
- Tiếp tục chủ động phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Ban tiếp công dân của tỉnh, cử cán bộ tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh; đồng thời chuẩn bị các nội dung để phục vụ hoạt động tiếp công dân của Thường trực HĐND tỉnh theo định kỳ 01 lần/tháng.
- Bố trí cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ năng lực nghiệp vụ chuyên môn giỏi, có kỹ năng về tuyên truyền, giải thích pháp luật tốt, am hiểu về các quy định pháp luật làm nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Thường trực HĐND tỉnh trong công tác tiếp công dân để giải thích và hướng dẫn cho người dân được hiểu rõ và thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Về công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Pháp luật về khiếu nại, tố cáo; Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tăng cường đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết các vụ việc còn tồn đọng; giám sát chặt chẽ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
- Tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh tăng cường giám sát trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết khiếu nại tố cáo.
B. Công tác phòng chống tham nhũng
I. Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng
1. Việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng
- Đảng ủy Văn phòng HĐND tỉnh luôn coi trọng công tác phòng, chống tham nhũng, kịp thời triển khai phổ biến, quán triệt đầy đủ nội dung của Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản liên quan đến toàn thể cán bộ đảng viên, công chức, người lao động cơ quan.
- Đảng ủy và thủ trưởng cơ quan đã triển khai, thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; triển khai quán triệt Quy định số 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm; phổ biến, quán triệt Nghị định số 68/2011/NĐ-CP ngày 08/08/2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2007/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ hằng tháng, hằng quý của Chi, Đảng bộ, Tổ Công đoàn để cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan nắm bắt kịp thời, hiểu, nhận thức đầy đủ và thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng.
- Thông qua việc phổ biến, quán triệt các quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, nhận thức của cán bộ đảng viên và công chức trong cơ quan được nâng lên và có chuyển biến tích cực trong hoạt động thực tiễn, góp phần thiết thực vào phòng ngừa tham nhũng trong nội bộ cơ quan và ngoài xã hội.
- Thủ trưởng cơ quan thường xuyên phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan có chủ trương, biện pháp quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng trong cơ quan. Phương hướng, nhiệm vụ hằng tháng, quý của Đảng ủy, cơ quan, Công đoàn đều có nội dung triển khai thực hiện phòng, chống tham nhũng.
- Cơ quan đã xây dựng kế hoạch phòng, chống tham nhũng; xác định rõ mục đích, yêu cầu, đồng thời tổ chức quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, các quy định của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tổ chức thực hiện của cán bộ, công chức cơ quan; kết hợp giữa tuyên truyền, phổ biến với đề ra các biện pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong cơ quan.
- Đảng ủy, Lãnh đạo cơ quan đã chỉ đạo cán bộ, đảng viên và công chức cơ quan tích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ, công tác chuyên môn được giao; không sách nhiễu, gây phiền hà đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân; mỗi cán bộ đảng viên ở các cương vị khác nhau có ý thức trách nhiệm, chấp hành tốt Luật phòng, chống tham nhũng.
- Cơ quan rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chế chi tiêu nội bộ và chế độ quản lý, sử dụng trang thiết bị cơ quan; Quy chế làm việc của Văn phòng; Quy định quản lý và sử dụng xe ôtô cơ quan theo đúng quy định hiện hành.
2. Kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng
- Để thực hiện phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả, cơ quan đã rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế làm việc, quy chế quản lý, sử dụng trang thiết bị cơ quan, quy chế chi tiêu nội bộ, quy định quản lý và sử dụng xe ôtô cơ quan theo đúng quy định hiện hành.
- Cơ quan đã thực hiện nghiêm túc các quy trình công tác cán bộ, chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan; Xét nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức và người lao động theo nguyên tắc dân chủ, công tâm, khách quan, đúng quy định.
- Thực hiện nghiêm chế độ công khai tài chính bằng các hình thức như trả lương qua tài khoản; công khai các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, công khai việc thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn về mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc, sử dụng tài sản công của cán bộ, công chức trong cơ quan.
- Thực hiện nghiêm túc chế độ dân chủ trong sinh hoạt, cán bộ đảng viên thẳng thắn góp ý xây dựng, Lãnh đạo cầu thị tiếp thu ý kiến chính đáng của cán bộ đảng viên để điều chỉnh trong chỉ đạo, quản lý, điều hành công tác hiệu quả hơn; duy trì và tạo điều kiện thuận lợi cho Ban Thanh tra nhân dân hoạt động đúng quy chế dân chủ ở cơ sở.
- Thực hiện việc kê khai minh bạch tài sản, thu nhập theo quy định.
- Việc quán triệt ý thức trách nhiệm nghề nghiệp của cán bộ, công chức, người lao động cơ quan được thực hiện thường xuyên thông qua các cuộc họp cơ quan, họp Chi, Đảng bộ, đảm bảo cho cán bộ, công chức, người lao động luôn trung thành, tận tuỵ, trung thực, liêm khiết, đoàn kết.
3. Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng
- Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng qua hoạt động tự kiểm tra nội bộ của đơn vị: Qua hoạt động tự kiểm tra nội bộ chưa phát hiện hiện tượng tham nhũng trong cơ quan.
- Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức Đảng: Qua công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức Đảng chưa phát hiện hiện tượng tham nhũng trong cơ quan.
- Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng qua giải quyết khiếu nại, tố cáo: Không có đơn khiếu nại, tố cáo về hiện tượng tham nhũng trong cơ quan.
II. Đánh giá tình hình tham nhũng, công tác phòng, chống tham nhũng
1. Ưu điểm
Cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng HĐND tỉnh đã tích cực tham gia công tác phòng, chống tham nhũng trong cơ quan và ngoài xã hội. Chính vì vậy trong cơ quan không xảy ra tình trạng tham nhũng; không có cán bộ đảng viên nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng.
2. Hạn chế
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: Công tác thực hiện tiết kiệm trong việc sử dụng điện, văn phòng phẩm chưa triệt để. Trong thời gian tới, giao phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị, ban Thanh tra nhân dân giám sát chặt chẽ hơn nữa việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan.
III. Phương hướng nhiệm vụ của công tác phòng, chống tham nhũng
1. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền và phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, công chức, người lao động. Coi công tác tuyên truyền là nhiệm vụ cơ bản, công tác này được thực hiện thường xuyên, liên tục và là nội dung quan trọng trong sinh hoạt Chi bộ, Đảng bộ và cơ quan.
2. Quán triệt và thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác phòng, chống tham nhũng trong cơ quan.
3. Tiếp tục thực hiện việc kiểm tra phát hiện những biểu hiện vi phạm và công tác phòng, chống tham nhũng tại các đơn vị, để kịp thời phát hiện những yếu kém trong công tác chỉ đạo và thực hiện, đồng thời nhắc nhở, uốn nắn những thiếu sót để các đơn vị thực hiện tốt hơn.
4. Thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế của cơ quan, động viên khen thưởng cán bộ, công chức kịp thời, xử lý nghiêm khắc cán bộ, công chức, nhân viên vi phạm kỷ luật.
(VP)
Truy cập hôm nay: 17962
Tổng lượt truy cập: 1825232