Logo
 

Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự xã hội

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ pháp điển hóa văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Sáng 20.6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong

Trình bày Tờ trình, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cho biết, việc xây dựng Luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; giảm chi ngân sách nhà nước; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Đồng thời, xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, các lực lượng chức năng, trong đó Công an nhân dân làm nòng cốt thực hiện.

Pháp điển hóa văn bản quy phạm pháp luật về các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để quy định trong văn bản luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Việc xây dựng Luật tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.

Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật là tuân thủ Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; bảo đảm các quy định của Luật được cụ thể và có tính khả thi; tổng kết đầy đủ, toàn diện thực tiễn hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng về sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong của từng tổ chức cơ sở, giảm chi ngân sách nhà nước; tham khảo có chọn lọc pháp luật của một số nước về tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở để vận dụng quy định cho phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.

Dự thảo Luật gồm 5 chương, 31 điều

Về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia vào tổ bảo vệ an ninh, trật tự; làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã, phường, thị trấn và hỗ trợ lực lượng Công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn cấp xã.

Về sắp xếp, kiện toàn, bố trí lực lượng, dự thảo Luật quy định kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và được bố trí theo mô hình tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương.

Dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế; được bố trí địa điểm, nơi làm việc, bồi dưỡng, huấn luyện, trang bị công cụ hỗ trợ, trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận; giải quyết trường hợp khi thực hiện nhiệm vụ bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh…

Bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật. Việc xây dựng Luật phù hợp với nội dung văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 5.9.2019, Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16.3.2022 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 1.12.2011 của Ban Bí thư.

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Bắc Giang, Hà Nam và An Giang thảo luận ở tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Thực tế hiện nay, đa số các vụ, việc có liên quan đến an ninh, trật tự đều xảy ra ở cơ sở, cần phải được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời từ sớm, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả cho xã hội.

Tuy nhiên, hoạt động của lực lượng Công an chính quy tại xã, phường, thị trấn hiện nay gặp nhiều khó khăn trong quán xuyến địa bàn, hiểu biết về phong tục tập quán, sử dụng tiếng dân tộc thiểu số… nên cần có sự tham gia của các lực lượng quần chúng ở cơ sở, nhất là lực lượng công an xã bán chuyên trách trước đây, bảo vệ dân phố, dân phòng là một đòi hỏi tất yếu.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng dự án Luật có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, đáp ứng các yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến. Dự thảo Luật đã quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp quy định của Hiến pháp, pháp luật có liên quan.

Tuy nhiên, do nội dung dự thảo Luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân và một số lực lượng khác có liên quan ở cơ sở, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm chặt chẽ, khả thi khi áp dụng Luật.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng mức độ bảo đảm còn rất hạn chế so với yêu cầu nhiệm vụ. Khi kiện toàn, tổ chức lại lực lượng, cần phải quan tâm hơn nữa thực hiện chế độ, chính sách, điều kiện đảm bảo hoạt động cho lực lượng nhằm động viên, khuyến khích, thu hút người dân tham gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Vì vậy, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị đánh giá kỹ, tính toán đủ mức kinh phí mà ngân sách nhà nước phải bảo đảm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; động viên, khuyến khích được người dân tham gia, phù hợp với khả năng chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước làm cơ sở để Quốc hội xem xét quyết định.

Một số ý kiến cho rằng Bộ Công an chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ, hoạt động; Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm quản lý về xây dựng, tuyển chọn, bố trí lực lượng, thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng này.

Ủy ban Quốc phòng và An Ninh cơ bản nhất trí với dự thảo Luật quy định giao Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì thực hiện quản lý nhà nước về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; đồng thời, tiếp tục rà soát nội dung cụ thể về trách nhiệm của bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để tiếp thu cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất, hợp lý và khả thi.

Nguồn TTXVN/Báo điện tử Hải Dương

Đang trực tuyến: 5
Truy cập hôm nay: 322791
Tổng lượt truy cập: 72353431