Nhân dân quyết tâm thực hiện “di sản” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại
Trò chuyện với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã chia sẻ những tình cảm, nhận định của mình với "di sản" mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho Nhân dân.
Trí tuệ, nhân cách, lối sống… của Tổng Bí thư như ngọn đuốc soi đường, thắp sáng niềm tin cho Nhân dân. (Ảnh: Chính phủ)
Đi tiếp con đường Tổng Bí thư một đời tâm huyết
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói tại một hội nghị: “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Thế nào là danh dự? Cao hơn tất cả, vật chất không là gì. Cái còn mãi với thời gian là danh dự, trọng liêm, trọng chính, trọng đức. Còn vật chất chỉ là phù vân, nó quý thì quý thật nhưng ông cha ta đã tổng kết: danh thơm thì còn mãi. Đừng ham chức tước, địa vị, vật chất, tiền tài lôi kéo đủ thứ, nhất là chúng ta có quyền lực trong tay, lắm kẻ mơn trớn, xu nịnh”. Đại biểu có suy nghĩ gì về lời dặn dò này?
Tôi nhớ đến câu ca dao rất quen thuộc của Việt Nam” “Trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.
Trong cuộc sống, vật chất luôn có sự hấp dẫn với con người, và cũng phải có vật chất, con người mới có thể tồn tại được. Tuy nhiên, nếu quá chú trọng đến vật chất, quyền lợi, thậm chí vì nó mà bỏ qua đạo đức, trách nhiệm thì lại là điều cần phê phán.
Chiếc xe Toyota Crown BKS 80B-2089 gắn bó với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 18 năm. Có lần Văn phòng Trung ương Đảng đề xuất thay xe cho Tổng Bí thư vì nó đã cũ, nhưng Ông không đồng ý và nói: "Xe vẫn đi tốt". (Ảnh: Tiến Tuấn)
Ông cha ta cũng còn có một câu rất thấm thía: “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, chỉ việc tạo dựng danh tiếng, thanh danh khó hơn rất nhiều so với việc làm mất uy tín, danh dự. Và đối với việc bị mất uy tín, danh dự, giá trị vật chất đánh đổi thật nhỏ bé.
Lời nhắc nhở của Tổng Bí thư cũng giống như lời đúc kết của cha ông, đó là so với danh dự, phẩm chất đạo đức của một con người, tất cả mọi vật chất không những chỉ như “phù vân” mà còn rất rẻ mạt. Chính bởi vậy, chúng ta cần phải chú trọng gìn giữ thứ tài sản lớn nhất của mỗi người, đó chính là nhân cách đạo đức, là phẩm giá.
- Bà có sự liên tưởng nào giữa lời dặn dò trên của Tổng Bí thư với công cuộc “đốt lò” vĩ đại?
Không chỉ bây giờ, mà từ xưa, cha ông ta cũng đã rất nỗ lực trong việc phòng chống tham nhũng. Sử sách còn ghi lại rất nhiều các vụ án, trong đó, các quan tham cũng đã bị xử lý một cách đích đáng. Đơn cử như việc Bác Hồ nghiêm khắc xử lý vụ án Trần Dụ Châu với bản án cao nhất.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương. (Ảnh: NVCC)
Thực tế, khi có chức tước, con người dễ bị cám dỗ về vật chất, quyền lực. Nếu không chiến thắng được bản thân, việc sa ngã rất dễ xảy ra. Bởi vậy, công cuộc chống tham nhũng luôn diễn ra ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào, và với mọi quốc gia.
Trong giai đoạn vừa qua, hình ảnh “lò bác Trọng” đã trở nên quen thuộc, Tổng Bí thư cũng được ví như “người đốt lò vĩ đại”. Rất nhiều đại án đã được phơi bày, xử lý, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, tạo niềm tin cho Nhân dân. Và điều quan trọng hơn nữa, nó còn là lời cảnh tỉnh đối với những người đang nắm giữ chức vụ.
Ý nghĩa của việc chống tham nhũng, theo tôi, nó không chỉ dừng lại ở chỗ chúng ta đã phát hiện, xử lý được bao nhiêu trường hợp tham nhũng, mà từ đây, chúng ta có thể ngăn ngừa tham nhũng một cách hiệu quả.
Những nỗ lực mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm trong việc làm trong sạch bộ máy cũng đã thể hiện rất rõ quan điểm của Ông trong lời dặn dò về danh dự ở trên.
Ánh sáng thắp từ những điều giản dị
- Về thăm trường cũ (Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Xin cho em, cho tôi bỏ mọi chức tước bên ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy, các cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học của các bạn... Chức tước như phù vân!”. Bà có suy nghĩ gì về câu chuyện này?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các thầy cô giáo Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội). (Ảnh: Nhà trường cung cấp)
Có thể nói, trong lúc chúng ta đang rất lo ngại về truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, có nơi, có lúc đã bị mai một, thậm chí có lúc bị xúc phạm, thì câu chuyện về Tổng Bí thư được nhắc lại trong mấy ngày vừa rồi một lần nữa khiến mọi người vô cùng xúc động.
Bởi Tổng Bí thư dù ở cương vị cao nhất của một quốc gia, đứng trước thầy cô vẫn là một học trò giản dị, khiêm nhường, vẫn giữ được truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Chính điều đó, đã tạo nên tầm vóc vĩ đại của Tổng Bí thư, chứ không phải là chức tước mà ông đang nắm giữ. Điều đó cũng cho thấy, tầm vóc của một con người thể hiện ngay ở những lối sống tưởng như rất bình dị hằng ngày.
Đặc biệt, câu nói “chức tước như phù vân” đã bao hàm nhiều triết lý thâm thúy. Nó mang ý nghĩa triết học, triết lý Phật giáo, những triết lý sâu xa của hệ thống tư tưởng phương Đông. Đó là mọi vật ngoại thân như chức tước, tiền bạc, của cải đều là “phù vân” cả. “Phù vân” không phải không mang ý nghĩa gì, mà nó có thể đến, có thể đi. Nó không thực sự nói lên giá trị, bản chất của con người, mà giá trị của một người thể hiện ở năng lực, đạo đức…
Để nói được câu nói đó, thì cũng phải là những người có tầm vóc tư tưởng rất lớn, có đầy đủ những chiêm nghiệm, biết được đâu là giá trị cốt lõi của cuộc sống và của con người.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội,; Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Mai Loan)
- Thực tế, đây đó vẫn có hiện tượng cậy quyền, cậy chức, "chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng". Câu chuyện về Tổng Bí thư có ý nghĩa thế nào, thưa bà?
Hiện nay, chúng ta chứng kiến rất nhiều hiện tượng không mong muốn. Chẳng hạn, việc cậy chức cậy quyền, khoe khoang của cải vật chất… Lối sống thiên về vật chất đã át giá trị đích thực, cốt lõi của con người. Thái độ sống của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đem đến bài học nhân sinh vô cùng sâu sắc về sự giản dị, khiêm nhường.
Tổng Bí thư coi vị trí mà mình nắm giữ là một trọng trách nặng nề trong việc chăm lo cho cuộc sống Nhân dân, cho sự phát triển của đất nước, hoàn toàn không phải thứ để phô trương, càng không phải để ỷ thế lộng hành. Mọi chức tước, quyền hạn cũng chỉ để phụng sự đất nước, phục vụ cho công việc.
Điều đó, thể hiện đúng nhân cách của một người cách mạng thực sự vì nước, vì dân.
- Theo bà, đâu là di sản lớn nhất mà Tổng Bí thư để lại?
Nhiều người ca ngợi nhân cách, những phẩm chất của Tổng Bí thư xứng đáng là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thực tế, có thể thấy sự tương đồng trong hai nhân cách lớn vì đều có chung đức tính khiêm nhường, giản dị và lý tưởng cống hiến hết mình cho Tổ quốc, Nhân dân.
Trong lúc ít nhiều người dân còn có những nỗi buồn, thậm chí là mất niềm tin vì những hiện tượng như lợi dụng chức quyền để mưu cầu lợi ích cho mình, thậm chí nhiều trường hợp đã bị đưa ra xử lý hình sự, thì tấm gương của Tổng Bí thư làm cho chúng ta trân trọng, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng, hơn cả việc là những bài học đạo đức, nhân cách và lối sống của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một ngọn đuốc soi đường cho toàn thể Nhân dân, soi rọi niềm tin. Những cán bộ đảng viên cũng nhìn vào ánh sáng đó để tự soi, tự sửa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại nhiều di sản, trong đó có các tác phẩm, sách, bài nói chuyện... Tuy nhiên, di sản lớn nhất mà Tổng Bí thư để lại, theo tôi, đó chính là cuộc đời của Ông. Trọn cuộc đời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bền bỉ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, mang hết tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết cách mạng, làm việc đến hơi thở cuối cùng, tận tâm, tận lực, tận hiến cho Đảng, cho nước, cho dân.
Với nhiều người dân, có thể họ không có điều kiện đọc bất kỳ cuốn sách, tham dự hay nghe bất kỳ buổi nói chuyện của Tổng Bí thư, nhưng những câu chuyện về cuộc đời, lối sống, cách ứng xử của Tổng Bí thư... rất dễ lưu truyền, trở thành tấm gương sáng ngời. Nhìn vào đó, người dân hoàn toàn bị chinh phục, hơn tất cả những lý thuyết cao siêu nào
- Theo dõi tình cảm của Nhân dân đối với Tổng Bí thư, đặc biệt trong những ngày qua, bà có suy nghĩ gì?
Ngày Quốc tang đầu tiên, 25/7, từ rất sớm, người dân ở Hà Nội cũng như những tỉnh lân cận đã xếp hàng dài đến hàng cây số trên những con phố xung quanh như Hàn Thuyên, Hàng Chuối, Lò Đúc... để đợi viếng Tổng Bí thư. (Ảnh: Thiên Anh)
Mấy ngày qua, theo dõi phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội, đặc biệt là trong ngày Quốc tang, tôi thấy hàng ngàn người đã xếp hàng chờ viếng, tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nước mắt. Nhiều người đã bày tỏ nỗi buồn, thương tiếc đối với một vị lãnh đạo tài ba, người con ưu tú của dân tộc. Bản thân tôi cũng rất buồn.
Tuy nhiên, tôi mong rằng, và tin nhiều người cũng cùng chung niềm mong mỏi như tôi, đó là chúng ta hãy bày tỏ tình cảm một cách cụ thể hơn nữa đối với Tổng Bí thư, bằng cách phấn đấu, nỗ lực tiếp tục theo đuổi con đường mà Tổng Bí thư đã một đời tâm huyết. Đó là xây dựng một đất nước giàu mạnh, văn minh, trong sạch. Chúng ta cần biến đau thương thành hành động.
Trân trọng cảm ơn Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga!
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho hay, là đại biểu Quốc hội hai khóa, XIV và XV, bà may mắn được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần. Dù rất bận, nhưng trước khi vào họp giờ giải lao và sau khi kết thúc, Tổng Bí thư đều luôn vui vẻ gặp, trò chuyện với các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là các đại biểu Quốc hội từ các tỉnh. Một trong những kỷ niệm sâu sắc của bà và các đại biểu nữ, đó là khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội, Ông đã lập ra Câu lạc bộ nữ đại biểu Quốc hội (Câu lạc bộ đó còn duy trì đến ngày nay). Kỳ họp nào, ông cũng trực tiếp gặp, dặn dò các đại biểu nữ rất ấm áp, thân tình. Khi những đại biểu nữ bày tỏ nguyện vọng, tâm tư... Tổng Bí thư luôn lắng nghe một cách chăm chú, ân cần, chia sẻ. Đó là những điều khiến bà cảm thấy rất ấn tượng, rất nhớ, xúc động. |
Nguồn Báo Tri thức và Cuộc sống
Truy cập hôm nay: 316835
Tổng lượt truy cập: 64994491