ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga: Cần nâng cao vai trò của cơ quan kiểm tra, nghiệm thu phòng cháy, tránh tình trạng 'con voi chui qua lỗ kim'
ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội vừa qua là bài học đắt giá, cần nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan kiểm tra, nghiệm thu phòng cháy. |
Vụ cháy làm nhiều người thương vong ở chung cư mini trong hẻm nhỏ ở Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội vừa qua một lần nữa dấy lên lo ngại về sự an toàn của dạng công trình nhà ở này. Báo Thế giới và Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về vấn đề an toàn ở các khu chung cư dưới góc độ chính sách.
Là một ĐBQH, bà nhìn nhận thế nào về vấn đề an toàn tại các chung cư mini hiện nay?
Thứ nhất, chung cư mini là khái niệm không có trong Luật Xây dựng và Luật Nhà ở hiện hành. Vì không có nên chúng ta không có khung pháp lý cũng như quy chuẩn chính thức cho kiểu nhà này.
Có thể nói đây là một dạng "lách luật" của các chủ đầu tư. Ngay cả chính quyền, cơ quan chức năng nơi có khu chung cư mini vừa bị cháy cũng thừa nhận ban đầu chủ đầu tư xin cấp phép xây dựng với mục đích là xây nhà ở cá nhân, rồi trong quá trình thi công mới tự "biến" nhà ở cá nhân thành chung cư mini.
Cần phải nói thêm rằng, trước khi Luật Nhà ở 2014 được ban hành thì khái niệm chung cư mini đã từng tồn tại trong phụ lục A của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 3/2013/BXD về phân cấp công trình xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành kèm thông tư 12 ngày 28/12/2012. Tuy nhiên, sau khi Luật Nhà ở 2014 ban hành thì khái niệm chung cư mini không được nhắc đến nữa. Các văn bản quy định về nhà ở trước đó có quy định về chung cư mini cũng đã bị bãi bỏ. Vì không có hành lang pháp lý nên việc quản lý chung cư mini còn nhiều bất cập.
Nổi cộm nhất là vấn đề an ninh trật tự, an toàn cháy nổ. Bởi lẽ, các chủ đầu tư đã lách luật để xây dựng, xây dựng trái phép, không phép. Vậy nên, rất khó khăn cho công tác thẩm định các điều kiện kỹ thuật, các tiêu chuẩn an toàn. Khi không được thẩm định thì những nguy cơ mất an toàn không được chỉ ra, không được khắc phục, dẫn đến những chuyện đau lòng.
Theo bà, đâu là bài học sau vụ cháy chung cư vừa qua?
Bài học rút ra chúng ta đã nói đến rất nhiều sau mỗi vụ cháy, đặc biệt là cháy các công trình dân sinh (nhà ở cá nhân, cửa hàng, chung cư, chung cư mini). Đó là cần phải tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn trong quá trình thiết kế, thi công các công trình.
Nếu thực hiện nghiêm những quy định đó thì khả năng xảy ra cháy nổ rất thấp. Và khi không may xảy ra, sẽ nhanh chóng dập tắt được đám cháy nhờ vào những thiết bị phòng chống cháy nổ theo yêu cầu cần trang bị, giảm thiểu đến mức tối đa thiệt hại về người và tài sản.
Thứ hai là vấn đề ý thức phòng chống cháy nổ của người dân cũng cần được nâng cao hơn rất nhiều. Quá nhiều vụ cháy mà nguyên nhân từ sự bất cẩn của con người. Nếu mỗi cá nhân có ý thức thường trực trong việc phòng ngừa, tôi tin chắc sẽ giảm thiểu được một phần đáng kể các vụ cháy.
Có thể thấy, đã có rất nhiều vụ cháy xảy ra do ý thức con người như hút thuốc tại những nơi cấm (cây xăng, kho vật liệu dễ cháy), thi công công trình cẩu thả, không đảm bảo an toàn (hàn xì điện ở những nơi có vật liệu dễ bắt cháy), không ngắt các thiết bị điện sau khi dùng xong (bàn là, máy sấy tóc, bếp từ, bếp điện...).
Còn bài học nữa là mỗi cá nhân cần nâng cao nhận thức hơn về các nguy cơ có thể xảy ra cháy nổ. Không phải cứ có nguồn lửa mới có thể gây cháy. Nhiều khi cháy xảy ra do nhận thức còn "ngây ngô" của một số bộ phận người dân. Vì nhận thức chưa đúng nên không thực hiện đầy đủ các yêu cầu đảm bảo an toàn theo khuyến cáo của nhà sản xuất các thiết bị điện.
Ví dụ, không mua các thiết bị pin và bộ sạc của điện thoại, xe đạp điện, xe máy điện theo đúng quy chuẩn (vì giá thành cao hơn) mà sử dụng các thiết bị trôi nổi, không rõ nguồn gốc cho rẻ. Cố tình "độ” hoặc “chế" thêm các thiết bị điện vào máy móc, động cơ mà hoàn toàn không biết điều đó có nguy cơ rất cao gây cháy nổ.
Khi tai nạn cháy nổ xảy ra, thứ mà chúng ta phải trả giá không chỉ là khối tài sản lớn hơn nhiều số tiền mua thiết bị đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, mà còn là tính mạng con người, thậm chí tính mạng nhiều người - thứ tài sản vô giá nhất mà không tiền của nào có thể đánh đổi được.
Cuối cùng, bài học về kỹ năng xử lý và thoát hiểm trong tình huống cháy nổ khẩn cấp là kỹ năng thiết thân mà bất kỳ ai cũng cần thuộc lòng. Có những người đã tự mình thoát khỏi hiểm họa trong vụ cháy vừa qua nhờ kỹ năng của bản thân.
Vấn đề lúc này là cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý của cơ quan xây dựng?
Vai trò của cơ quan quản lý xây dựng và cơ quan kiểm tra, nghiệm thu về tiêu chuẩn phòng cháy rất quan trọng. Điều này đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều. Tất cả những quy định, những tiêu chuẩn về phòng cháy của chúng ta đã khá đầy đủ và rất rõ ràng.
Vậy thì, vấn đề còn lại là ở khâu thực hiện chưa nghiêm nên vẫn để xảy ra tình trạng "con voi chui qua lỗ kim". Cho nên, tôi thấy vẫn cần phải nhấn mạnh thêm nhiều lần nữa vai trò của chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý.
Cần làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý thật nghiêm túc trong những trường hợp cố tình "lờ đi" những sai phạm, cho qua những thiếu sót. Chỉ cần một chút nể nang hay tắc trách trong thực thi công vụ là cái giá phải trả có khi rất đắt. Như vụ cháy vừa rồi, số người thiệt mạng, chỉ riêng nói con số 56 người chết thôi, đã đủ thấy độ đau xót lắm rồi.
Ngoài ra, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa để kịp thời xử lý các vi phạm, yêu cầu khắc phục. Nếu không, câu chuyện tai nạn cháy nổ thương tâm cứ phải nói dài dài năm này qua năm khác.
Đã có nhiều giải pháp phòng cháy chữa cháy được đưa ra nhưng việc thực hiện thế nào vẫn là điều rất đáng quan tâm. Câu chuyện này dưới góc nhìn chính sách thì sao?
Dưới góc nhìn chính sách và thể chế, tôi thấy những quy định về phòng cháy chữa cháy, về xây dựng, về nhà ở cũng đã tương đối hoàn chỉnh. Quốc hội đang cho ý kiến những dự án Luật: Đất đai, Nhà ở, kinh doanh Bất động sản... đều liên quan trực tiếp tới vấn đề chúng ta đang đề cập.
Những vướng mắc, khó khăn trong thực tế sẽ được xem xét để điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp. Bởi vậy, tôi tin rằng, khi những luật này được ban hành thì sẽ hoàn thiện hơn khung pháp lý để quản lý tốt hơn về nhà ở, đặc biệt là các loại hình nhà ở đô thị.
Trong hơn 10 năm qua, chung cư mini phát triển mạnh tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Đây vẫn là loại hình nhà ở mà nhiều người có thu nhập thấp lựa chọn. Vậy đâu là lối ra, theo bà?
Không phủ nhận một sự thực rằng chung cư mini hiện nay đang là "cứu cánh" cho nhiều đối tượng thu nhập thấp cần chỗ ở, đặc biệt là ở các đô thị lớn, đất chật người đông và giá nhà đất thường quá cao so với mặt bằng thu nhập của phần đông người lao động.
Tôi nghĩ có hai việc cần sớm phải tiến hành, thứ nhất là đặc biệt quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở dành cho sinh viên (ký túc xá, làng sinh viên).
Cần rà soát kỹ để chúng ta có thể thực hiện những dự án thiết thực (trên thực tế nhiều công trình nhà ở sinh viên, làng sinh viên không thu hút được sinh viên vào ở vì giá thuê vẫn cao và có nhiều điểm bất hợp lý: về đường giao thông, về hạ tầng, về các công trình văn hoá thể thao, dịch vụ phụ trợ...).
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trong quá trình sửa đổi các luật vừa nêu, đặc biệt là Luật Nhà ở, sao cho tháo gỡ được những nút thắt hiện nay.
Xin cảm ơn ĐBQH!
Nguồn Báo Thế giới và Việt Nam
Truy cập hôm nay: 311733
Tổng lượt truy cập: 57449029