Logo
 

ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: HỘI THẢO VĂN HÓA 2024 – CƠ HỘI NHÌN NHẬN SÂU SẮC VAI TRÒ CỦA THIẾT CHẾ VĂN HOÁ, THỂ THAO

Ngày 12/5, Hội thảo Văn hóa 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” sẽ chính thức được khai mạc. Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga tin tưởng thông qua Hội thảo sẽ giúp chúng ta có được nhìn nhận sâu sắc hơn về vai trò của các thiết chế văn hóa, thể thao.

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga

Phóng viên: Ngày 12/05, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ phối hợp với các cơ quan tổ chức Hội thảo Văn hóa 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” tại Quảng Ninh. Bà có đánh giá thế nào về chủ đề của Hội thảo năm nay?

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi cho rằng chủ đề được lựa chọn cho Hội thảo Văn hoá năm nay thực sự trúng trọng tâm, trọng điểm những vấn đề về văn hoá đang được Đảng, Nhà nước và đông đảo nhân dân quan tâm. Từ sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021, lĩnh vực văn hoá được quan tâm hơn. Quan điểm, nhận thức về vai trò, vị trí  quan trọng của văn hoá đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước được nhìn nhận sâu sắc hơn. Việc kịp thời thể chế hoá các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hoá đã và đang được đẩy mạnh theo chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hoá Toàn quốc năm 2021.

Tôi cho rằng, muốn thể chế hoá các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hoá thì cần có sự rà soát lại các chính sách hiện có về văn hoá để đánh giá hiệu quả cũng như những vướng mắc, khó khăn để có đề xuất tháo gỡ về thể chế phù hợp.

Bên cạnh đó, chúng ta đang triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia (Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2921- 2025; Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025; Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030). Cả 03 chương trình mục tiêu quốc gia này đều có những dự án thành phần, những tiêu chí về văn hoá, về thiết chế văn hoá, thể thao. Và trong Kỳ họp 7 sắp tới của Quốc hội khai mạc vào 20/5, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025 – 2035.

Để xem xét, cho ý kiến vào Chương trình mục tiêu quốc gia này (trong đó có những nội dung liên quan đến các nguồn lực phát triển thiết chế văn hoá, thể thao) thì Hội thảo Văn hoá lần này với chủ đề "Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hoá, thể thao" là rất ý nghĩa và trúng những vấn đề trọng tâm, thiết thực trong hiện tại.

Phóng viên: Với vai trò là đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, bà có kỳ vọng gì ở Hội thảo lần này?

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga: Với vai trò là một đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, tôi kỳ vọng qua Hội thảo Văn hóa 2024 lần này, chúng ta sẽ đánh giá một cách tổng quát, chính xác những chính sách và nguồn lực dành cho các thiết chế văn hoá, thể thao trong thời gian qua.

Từ việc đánh giá đó, các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội sẽ đề xuất những chính sách và nguồn lực tiếp theo dành cho các thiết chế này. Đặc biệt là trong quá trình vừa qua, những đầu tư dàn trải hoặc chưa thực sự hiệu quả cũng cần được nhìn nhận thẳng thắn để có sự điều chỉnh kịp thời. Với nguồn lực còn hạn hẹp của ngân sách nhà nước, bất cứ sự đầu tư không hiệu quả nào không những là lãng phí mà còn tước đi cơ hội được đầu tư của nhiều lĩnh vực khác. Cho nên, tôi nhấn mạnh lại, việc dành nguồn lực để phát triển các thiết chế văn hoá, thể thao là vô cùng cần thiết; nhưng việc quyết định đầu tư như thế nào, vào những trọng tâm, trọng điểm nào cũng quan trọng không kém.

Đặc biệt, qua Hội thảo này, tôi tin tưởng và kỳ vọng chúng ta có sẽ có được cái nhìn sâu sắc hơn về văn hoá và vai trò của các thiết chế văn hoá, thể thao. Tại sao tôi nói cần có cái nhìn sâu sắc hơn về văn hoá từ việc bàn về nguồn lực cho phát triển các thiết chế văn hoá, thể thao. Trong thực tế thường vẫn tồn tại cách hiểu "đánh đồng" các thiết chế văn hoá với văn hoá; các thiết chế thể thao với thể thao. Việc xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao chưa hoàn toàn là việc chúng ta quan tâm đến sự phát triển của văn hoá, thể thao. Có một thực trạng thế này: Ở nhiều nơi, các thiết chế văn hoá, thể thao được xây dựng khá đầy đủ, hiện đại, thậm chí là hoành tráng nhưng lại lâm vào tình trạng "đắp chiếu để đó", ít sử dụng, khai thác hoặc khai thác không hiệu quả. Nhà văn hoá các thôn, khu dân cư, tổ dân phố ở nhiều nơi không phải địa điểm tổ chức các hoạt động văn hoá mà phần lớn đóng cửa, chỉ dùng để họp thôn, tổ dân phố hay họp chi bộ; nghĩa là chỉ đóng vai trò một phòng họp, mỗi tháng sử dụng vài ba buổi. Có những sân thể thao, nhà thi đấu được xây dựng nhưng không mấy khi được sử dụng do rất nhiều nguyên nhân…

Tôi nghĩ rằng, phát triển các thiết chế văn hoá, thể thao không đơn thuần là dành kinh phí để xây dựng, mà quan trọng hơn là phải có được mô hình hoạt động, được kịch bản khai thác sao cho hiệu quả nhất, thúc đẩy sự phát triển của văn hoá, thể thao; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, tập luyện thể thao của nhân dân ngày càng cao.

Phóng viên: Là chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực văn hóa, xin bà cho biết thực trạng hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao ở nước ta hiện nay, cũng như các chính sách, nguồn lực để phát triển thiết chế văn hóa, thể thao hiện tại của Việt Nam? Đâu là những nút thắt cần tháo gỡ?

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga: Nhìn tổng thể, tôi cho rằng thời gian qua, các thiết chế văn  hoá, thể thao đã được khai thác tương đối hiệu quả, nhất là ở các đô thị lớn. Điều đó góp phần không nhỏ vào việc nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần, tạo điều kiện cho người dân luyện tập và thi đấu thể thao, nâng cao sức khoẻ.

Tuy nhiên, cũng còn những thiết chế văn hoá chưa phát huy được hết công năng của mình. Nguyên nhân ban đầu đến từ việc đầu tư thiếu đồng bộ. Chúng ta nhiều khi mới chỉ quan tâm đến cái "vỏ" của các thiết chế: xây dựng lên công trình, chứ chưa quan tâm đúng mức đến "cái ruột", là các trang thiết bị, cơ chế quản lý và vận hành. Thành ra có những khi, thiết chế văn hoá, thể thao nhìn to đẹp, khang trang, mới mẻ ở "cái vỏ" bên ngoài nhưng thiếu trang thiết bị để hoạt động hiệu quả. Có những thư viện được xây mới nhưng hệ thống kho sách còn thiếu nhiều thiết bị chuyên dụng: Giá để sách, các thiết bị bảo quản, đầu sách ít, cũ và nghèo nàn, chưa được trang bị thư viện điện tử... nên vẫn không thể hoạt động tốt, không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Có những bảo tàng được xây mới công trình, nhưng chưa được trang bị đầy đủ các thiết bị dành cho trưng bày, bảo quản hiện vật, số hoá hiện vật...

Nguyên nhân thứ hai là do chúng ta còn thiếu cơ chế để vận hành và khai thác có hiệu quả cao nhất, các thiết chế văn hoá, thể thao được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước. Đặc biệt là việc các đơn vị sự nghiệp quản lý các thiết chế văn hoá (nhà thi đấu, thư viện, bảo tàng, trung tâm phát hành phim và chiếu bóng, trung tâm văn hoá...) còn gặp những khó khăn về con người (biên chế ít , khó tuyển dụng...) nên việc vận hành và khai thác các thiết chế này thực sự vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Hiện nay, các thiết chế văn hoá chủ yếu được xây dựng từ nguồn ngân sách, còn các thiết chế thể thao bước đầu được xã hội hoá (các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực thể thao nhiều hơn lĩnh vực văn hoá).

Cho nên, tôi thấy rất cần thiết phải nhìn nhận, đánh giá lại về các chính sách, nguồn lực dành cho việc phát triển những thiết chế văn hoá, thể thao; để thấy đâu là điểm nghẽn, đâu là khoảng trống, đâu là tiềm năng... Từ đó có những đề xuất đúng hướng và kịp thời.

Tôi mong muốn Quốc hội và Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa đến hệ thống các cơ chế, chính sách để các tổ chức, cá nhân quan tâm đến việc đầu tư vào các thiết chế văn hoá. Hiện nay việc xã hội hoá thiết chế văn hoá thực sự ít ỏi và hầu  như chỉ thực hiện được ở các đô thị lớn (các rạp chiếu phim, một số sân khấu...). Khi có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ hấp dẫn thì sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư ở lĩnh vực này.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn Cổng TTĐT Quốc hội

Đang trực tuyến: 5
Truy cập hôm nay: 316835
Tổng lượt truy cập: 64994491