ĐBQH NGUYỄN NGỌC SƠN: LỘ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI CÔNG NGHỆ TẠI CÁC NHÀ MÁY NHIỆT ĐIỆN THAN
Thực hiện hoạt động giám sát thông qua hình thức chất vấn bằng văn bản, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã gửi phiếu chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công thương về những tồn tại bất cập trong công nghệ hiện nay của các nhà máy nhiệt điện than và lộ trình chuyển đổi công nghệ để đạt mục tiêu đến năm 2050 các nhà máy nhiệt điện sẽ không còn đốt than.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, theo Quy hoạch điện VIII sẽ không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than sau năm 2030, điện khi sau năm 2035. Việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch sẽ chuyển dần sang công nghệ đốt kèm sinh khối, khí hydro ... Hiện nay, một số nhà máy nhiệt điện than vẫn đang sử dụng công nghệ cũ, không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi hoặc nếu có thì công suất sản xuất sẽ sụt giảm mạnh.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những tồn tại bất cập trong công nghệ hiện nay của các nhà máy nhiệt điện than và quan điểm, lộ trình chuyển đổi công nghệ để đạt mục tiêu đến năm 2050 các nhà máy nhiệt điện sẽ không còn đốt than.
Trả lời nội dung chất vấn của Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương đã có Văn bản số 4454/BCT-ĐL nêu rõ:
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2023, Việt Nam sẽ không xây dựng mới nhà máy nhiệt điện than sau năm 2030 và nhà máy điện khí sau năm 2035 để đảm bảo giảm phát thải cacbon và mục tiêu cam kết tại COP26 về trung hoà cacbon vào năm 2050.
Đối với nhiệt điện than, định hướng chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sinh khối và amoniac tại các nhà máy nhiệt điện than đã vận hành 20 năm khi giá thành phù hợp và dừng hoạt động các nhà máy trên 40 năm vận hành nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu; đến năm 2050 sẽ dừng hẳn việc sử dụng than để phát điện, chuyển hoàn toàn sang nhiên liệu sinh khối hoặc amoniac. Đối với nhiệt điện khí sẽ thực hiện lộ trình chuyển đổi nhiên liệu sang hydro khi công nghệ được thương mại hoá và giá thành phù hợp.
Hiện nay, việc chuyển đổi nhiên liệu của các nhà máy nhiệt điện sang sử dụng amoniac đã được các tổ chức quốc tế và các nước nghiên cứu thử nghiệm thành công với tỷ lệ amoniac đạt 20%. Tuy nhiên, việc tăng tỉ lệ đốt kèm, giảm giá thành sản xuất điện để thương mại hoá trong chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy điện than cần phải được tiếp tục nghiên cứu thêm trong thời gian tới.
Ngày 12 tháng 6 năm 2023, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với các cơ quan, đơn vị chủ quản, doanh nghiệp quản lý nhà máy nhiệt điện than để triển khai thực hiện Quyết định số 500/QĐ-TTg liên quan đến việc chuyển đổi nhiên liệu sử dụng. Đồng thời, Bộ Công Thương có Văn bản số 3606/BCT-ĐL ngày 12 tháng 6 năm 2023 đề nghị chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chuyển đổi nhiên liệu sang sử dụng nhiên liệu sinh khối và amoniac để triển khai áp dụng khi đủ 20 năm vận hành, đảm bảo hiệu quả kinh tế của nhà máy; xây dựng phương án dừng hoạt động khi nhà máy điện than đã vận hành đủ 40 năm mà không thể thực hiện chuyển đổi nhiên liệu hoặc thu giữ cacbon đáp ứng yêu cầu./.
Nguồn Cổng TTĐT Quốc hội
Truy cập hôm nay: 317278
Tổng lượt truy cập: 65628981