ĐBQH NGUYỄN NGỌC SƠN: CẦN XEM XÉT LẠI VIỆC CHẬM TIẾN ĐỘ TẠI CÁC DỰ ÁN ĐƯỜNG CAO TỐC LIÊN QUAN TỚI VIỆC DI DỜI CÁC HẠ TẦNG KỸ THUẬT
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đường bộ, ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật cần nghiên cứu, phối hợp với cơ quan thường trực của Đoàn Giám sát tối cao Nghị quyết 43 để xem xét một số những bất cập hiện nay như việc chậm tiến độ tại các dự án đường cao tốc liên quan rất nhiều tới việc di dời hạ tầng kỹ thuật tại các dự án.
Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV là tham gia đóng góp vào dự thảo Luật Đường bộ để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7 tới.
Đề cập về tiến độ hoàn thiện dự thảo Luật Đường bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh: Thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo tiến hành tổ chức các hội nghị, hội thảo và tiếp thu đối với dự thảo Luật một cách rất nghiêm túc. Tại kỳ họp thứ 6 đã có 105 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ và tại hội trường, các ý kiến đều đã được tiếp thu, giải trình trong báo cáo đầy đủ và đã có báo cáo tóm tắt.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Tại phiên họp lần thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến và có kết luận rất cụ thể về các nội dung. Sau phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan đã hoàn chỉnh thêm một bước dự thảo Luật Đường bộ.
Dự thảo Luật Đường bộ trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách có 86 điều và đã chỉnh sửa rất nhiều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Sau khi nghiên cứu hồ sơ dự án Luật Đường bộ trình tại hội nghị chuyên trách, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhận thấy, Chính phủ cũng như cơ quan chủ trì soạn thảo đã rất nghiêm túc, tiếp thu cơ bản, đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 và ý kiến của Ủy ban Thường vụ tại phiên họp thứ 31. Để cung cấp thêm thông tin nhằm hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đóng góp một số ý kiến.
Trước hết, vừa qua Quốc hội đã tổ chức giám sát tối cao Nghị quyết 43 về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia. Trong dự thảo báo cáo kết quả giám sát hiện nay chưa trình Quốc hội, nhưng qua giám sát tại các Đoàn nổi lên rất nhiều tồn tại, bất cập từ các dự án quan trọng quốc gia này, nhất là các dự án cao tốc và danh mục các dự án cao tốc trong báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải trình Quốc hội đã nêu nội dung này. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật cần nghiên cứu, phối hợp với Tổ giúp việc cũng như cơ quan thường trực của Đoàn Giám sát tối cao Nghị quyết 43 để xem xét một số những bất cập hiện nay mà chúng ta chưa tháo gỡ tại dự án Luật này. Ví dụ, hiện nay việc chậm tiến độ tại các dự án đường cao tốc liên quan rất nhiều tới việc di dời các hạ tầng kỹ thuật tại các dự án. Có dự án hiện nay chậm đến 6-7 tháng cũng liên quan đến việc này. Điều này liên quan đến rất nhiều luật, trong đó có nhiều luật chúng ta có thể kiến nghị sửa tại Luật Đường bộ này nên đề nghị cần phải có các ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.
Thứ hai, về việc thực hiện bóc đất hữu cơ để di chuyển về các bãi tập kết, qua khảo sát tại tỉnh Gia Lai thì lượng đất đắp khoảng hơn 3 triệu khối. Dự án này dừng lại khoảng độ 6-7 tháng không triển khai thi công được, với một lý do là theo quy trình xử lý chất thải phải có bãi tập kết đổ thải. Đất này rất tốt, người ta có thể bán ngay được, không cần phải tập kết vào những chỗ có liên quan theo quy trình về xử lý khoáng sản hay vật liệu đổ chất thải thông thường. Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để có kiến nghị xử lý ngay. Bởi vì, hiện nay có 2 vấn đề liên quan đến chậm tiến độ các dự án cao tốc vừa qua chính là ở 2 điểm này.
Nên phân cấp cho Ủy ban Nhân dân tỉnh đầu tư xây dựng quốc lộ
Liên quan đến việc đầu tư xây dựng công trình đường bộ quy định tại Điều 28, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đồng tình với phân cấp cho Ủy ban Nhân dân tỉnh đầu tư xây dựng quốc lộ theo khoản 2 Điều 28 để tận dụng nguồn lực đầu tư, phát triển hệ thống đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải, lưu thông hiện nay. Trong phiên họp Ủy ban Thường vụ đã có ý kiến, đó là hiện nay Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công hiện hành thì chưa phân cấp đầu tư xây dựng này cho cấp tỉnh. Chúng ta thể hiện điều này trong dự thảo Luật cũng chưa rõ.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị trong trường hợp luật chưa có thì chúng ta có thể bỏ ra. Nếu chúng ta giữ lại thì cần biên tập lại nội dung này cho nó đúng nội hàm sẽ phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh theo đề nghị của Ủy ban Nhân dân tỉnh và phải phù hợp với pháp luật hiện hành. Pháp luật hiện hành ở thời nào thì áp dụng tại thời điểm đó sẽ phù hợp hơn.
Toàn cảnh Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV.
Liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và ứng dụng khoa học, công nghệ đối với đường cao tốc quy định tại Điều 45, Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại kỳ họp thứ 8 và thông qua tại kỳ họp thứ 9. Qua khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng có rất nhiều bất cập trong việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực đường bộ. Qua quá trình làm việc tại Bộ Giao thông Vận tải thì thấy cần phải có tổng kết, đánh giá một cách kỹ lưỡng và thực tế hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng quy chuẩn kỹ thuật đường cao tốc. Hiện nay, chúng ta chưa áp dụng nên chưa biết vận hành bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn như này có mang lại hiệu quả tích cực hơn hay không thì cần phải có đánh giá một cách kỹ lưỡng, cụ thể hơn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để khi áp dụng vào Luật Đường bộ thì mang lại tính hiệu quả khi áp dụng các quy chuẩn Việt Nam của đường cao tốc và tính phù hợp với xu hướng phát triển đường giao thông của thế giới.
Giải phóng mặt bằng theo quy mô, quy hoạch thay vì giải phóng mặt bằng theo phân kỳ đầu tư sẽ mang lại hiệu quả hơn
Về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư của đường cao tốc tại khoản 4 Điều 47 hay gọi là công tác giải phóng mặt bằng, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đồng tình với quy định trong dự thảo luật do Chính phủ trình và cho rằng, việc giải phóng mặt bằng theo quy mô, quy hoạch thay vì giải phóng mặt bằng theo phân kỳ đầu tư sẽ mang lại hiệu quả hơn và có tính chiến lược lâu dài.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị Chính phủ cần nắm rõ hơn về việc quản lý phần giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai như thế nào, nguồn kinh phí thực hiện và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan liên quan ra làm sao. Bởi vì, thực tế hiện nay trong phân tích, đánh giá và giải trình, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn rất đồng tình với với ý kiến giải trình của Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Việc này sẽ mang lại một giá trị rất lớn. Nếu làm đường mà chúng ta không giải phóng ngay thì các nhà dân sẽ di chuyển ra sát lề đường, sẽ rất khó khăn cho vấn đề giải phóng mặt bằng. Nếu chúng ta giải phóng mặt bằng hết rồi, tốn kém chi phí theo phân tích của Chính phủ trình thì cỡ tầm khoảng 15-20%. Nếu chúng ta đánh giá, xử lý, quản lý hiệu quả được phần mặt bằng đã được giải phóng như thế này thì sau này chúng ta mở rộng đường cao tốc rất phù hợp, nên đề nghị Chính phủ cân nhắc thêm.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV.
Liên quan đến việc mở rộng cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa đường cao tốc theo Điều 48, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cơ bản đồng tình với các điều kiện quy định trong dự thảo Luật để mở rộng, cải tạo công trình, hiện đại hóa đối với các dự án đường cao tốc hoặc đường bộ trong khai thác, cải tạo, nâng cấp đường cao tốc.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị cần làm rõ nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư quy định tại điểm b khoản 2 điều này, trường hợp đàm phán không thành công thì chúng ta sẽ xử lý như thế nào và theo căn cứ quy định nào hiện nay. Việc này chúng ta cần phải chỉ rõ ra vấn đề xung đột pháp luật nếu như trong trường hợp có xảy ra việc thực hiện đàm phán không thành và sử dụng nội dung này, kèm theo đó chúng ta xây dựng cơ chế thu phí sử dụng đường cao tốc đối với những dự án nâng cấp, cải tạo như thế này như thế nào cho phù hợp, bởi vì vừa qua dân tình có rất nhiều ý kiến về nội dung này.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung, làm rõ hơn vấn đề này và một số vấn đề khác có liên quan; đồng thời đề nghị cơ quan Chính phủ cần quan tâm, xem xét, rà soát. Mặc dù trong dự thảo Luật lần này đã nêu rõ vấn đề về cơ chế tránh trùng lắp giữa trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến đường cao tốc với trung tâm chỉ huy giao thông nhưng trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ cần được làm rõ hơn để tránh một việc nhiều cơ quan làm và tăng cường công tác chia sẻ, kết nối cũng như tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước.
Nguồn Cổng TTĐT Quốc hội
Truy cập hôm nay: 316819
Tổng lượt truy cập: 64994475