Bộ Giáo dục & Đào tạo biên soạn SGK: “Không muốn độc quyền cũng bị đẩy vào thế độc quyền”
Để có góc nhìn đa chiều xoay quanh việc triển khai chương trình, sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT 2018) và vấn đề Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) biên soạn riêng một bộ sách giáo khoa phóng viên đã lắng nghe ý kiến phân tích từ ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga – Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.
Nhà phê bình văn học, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga – Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.
* Phóng viên: Thưa bà, sau 3 năm triển khai chương trình, sách giáo khoa (SGK) theo Chương trình GDPT 2018, với tư cách là ĐBQH, bà đánh giá như thế nào về những thành tựu cũng như hạn chế trong việc đáp ứng mục tiêu đổi mới GDPT?
– ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29 là chủ trương rất đúng đắn, việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018 trong đó có việc triển khai bộ SGK mới, một chương trình nhiều bộ SGK đây là chủ trương đúng.
Nếu triển khai tốt một chương trình nhiều bộ SGK sẽ mang lại nhiều lợi ích. Đó là có một khung chương trình chuẩn, linh hoạt trong việc lựa chọn SGK để dạy cho học sinh. Như vậy, sẽ khắc phục được tình trạng lệ thuộc vào SGK, học vẹt, cô và trò đều đi theo lối mòn phụ thuộc hoàn toàn vào sách.
Nếu khắc phục được tình trạng này, chúng ta sẽ đào tạo được những lứa học sinh, lứa công dân có tư duy phản biện rất tốt và luôn năng động, sáng tạo.
Qua 3 năm triển khai chương trình GDPT 2018, theo tôi về mặt ưu điểm có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thêm nữa, với vai trò chủ đạo của mình, Bộ GD&ĐT đã nỗ lực rất nhiều trong việc triển khai.
Trong thời gian rất ngắn, bước đầu, chúng ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, có nhiều bộ SGK đã được biên soạn, thẩm định, xuất bản.
Cùng với đó, lộ trình thực hiện chương trình GDPT 2018 có chậm hơn một chút so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh đã được thực hiện tương đối suôn sẻ theo lộ trình.
Bên cạnh đó, cũng còn nhiều trăn trở như khâu chuẩn bị chưa được kỹ lưỡng, chưa chú ý một cách hợp lý đến hạ tầng giáo dục, con người…
Một chương trình nhiều bộ SGK là một sự đột phá lớn, do đó phải có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng về mặt con người, đó là đội ngũ giáo viên và các nhà quản lý giáo dục. Tuy nhiên, trong thời điểm 3 năm chưa kịp đào tạo đội ngũ giáo viên dạy theo chương trình mới. Thậm chí, có những môn học mới chưa đào tạo được thì vẫn sử dụng đội ngũ giáo viên cũ với chuẩn giáo dục cũ để dạy chương trình mới, điều này có lúc dẫn đến bị động.
Thêm nữa, không phải dạy chương trình mới chỉ là đổi từ “quyển sách nọ sang quyển sách kia”, đổi từ “bộ sách nọ sang bộ sách kia” mà là thay đổi hẳn về tư duy giáo dục và cách tổ chức giáo dục.
* Hiện, đã có nhiều bộ SGK của các nhà xuất bản, qua nắm bắt tâm tư của cử tri bà đánh giá thế nào về chất lượng những bộ sách này?
– Trong một khoảng thời gian ngắn như thế và biên soạn khá nhiều bộ SGK thì giai đoạn đầu những sai sót là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, với hệ thống SGK giảng dạy cho học sinh nếu bộ sách nào cũng có sai sót thì đương nhiên các cơ sở giáo dục vẫn phải chọn một bộ tối ưu nhất để dạy. Nên, nếu sự chuẩn bị được đầu tư kỹ lưỡng hơn sẽ hạn chế được sai sót.
Bên cạnh đó, đội ngũ ban đầu chưa chuẩn bị kỹ cho nên dẫn đến khó khăn, lúng túng trong quá trình triển khai. Đặc biệt, dạy các môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở. Nhiều người chưa hiểu rõ thế nào là một chương trình nhiều bộ SGK và tại sao phải nhiều SGK, tính ưu việt của một chương trình nhiều bộ SGK như thế nào? Chúng ta cần phải có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt về truyền thông để xã hội hiểu và ủng hộ nhiều hơn.
* Hiện nay đã có nhiều bộ SGK, bà đánh giá thế nào về việc Bộ GD&ĐT phải xuất bản thêm một bộ SGK,việc này sẽ ảnh hưởng ra sao đến bối cảnh xã hội hoá giáo dục?
– Vừa qua, Đoàn giám sát của Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Vậy, nên hay không nên biên soạn thêm một bộ SGK của Bộ GD&ĐT, tôi cho rằng cần nhìn nhận gốc rễ sâu xa của vấn đề.
Khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88 việc thực hiện biên soạn SGK, Bộ Giáo dục đã mời các tổ chức, cá nhân,các nhà khoa học…có năng lực tham gia biên soạn các bộ sách. Bộ GD&ĐT với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ còn nhiều việc liên quan đến chỉ đạo thực hiện chương trình GDPT 2018 nên chưa kịp thời tổ chức biên soạn được bộ SGK riêng. Đến lúc Bộ tổ chức biên soạn thì tất cả các tác giả có thể biên soạn, viết SGK đều đã tham gia với các tổ chức, cá nhân khác ở các bộ sách khác, khiến cho đội ngũ bị trống. Điều quan trọng là ba bộ SGK được Bộ phê duyệt, thẩm định cho đến thời điểm hiện nay, đã và đang được thầy trò thực hiện ở các địa phương trong toàn quốc tương đối tốt.
Vì vậy, đại diện cho Chính phủ, cũng như ngành giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đề nghị Đoàn giám sát bỏ nội dung Bộ biên soạn SGK khỏi Nghị quyết, với nhiều lý do, trong đó nổi bật là việc này sẽ làm ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trong việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa, đồng thời gây ra những phức tạp, tốn kém không cần thiết.
Quan điểm của tôi là phải nhìn nhận gốc rễ vấn đề, nói một chương trình nhiều bộ SGK mà không nói là bao nhiêu bộ (không phải 3, 4, 5 bộ) thì hiện nay đã có những bộ SGK cho học sinh lựa chọn rồi, có cần thêm SGK nữa hay không? Tôi cho rằng vẫn cần. Bởi, càng nhiều bộ SGK thì có càng nhiều lựa chọn.
Việc một chương trình nhiều bộ SGK là không thừa, thậm chí đến thời điểm này có tổ chức, cá nhân nào sẵn sàng biên soạn những bộ SGK mới thì Bộ GD&ĐT vẫn chấp nhận, thẩm định. Do đó, không có một giới hạn nào cho con số nhiều.
Tuy nhiên, nếu Bộ GD&ĐT biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa nữa thì cần phải lưu ý một số vấn đề:
Lo ngại SGK của các tổ chức cá nhân khác sẽ “đắp chiếu”.
Thứ nhất, vấn đề chọn sách giáo khoa, nếu Bộ có riêng một bộ SGK thì các cơ sở giáo dục liệu có tư tưởng chọn đúng bộ sách của Bộ biên soạn hay không? Sẽ dẫn đến tình trạng chúng ta xã hội hóa SGK, có nhiều bộ SGK nhưng nếu các cơ sở giáo dục đồng loạt chọn sách của Bộ thì chủ trương xã hội hóa, chủ trương nhiều bộ SGK của chúng ta bị phá sản. Bởi, không ai cấm các trường không được chọn sách giống nhau.
Bộ cũng không cần phải độc quyền, không cần đi tiếp thị cho mình mà các cơ sở giáo dục thấy được đây là bộ sách của Bộ biên soạn, bằng niềm tin tự nhiên thì sẽ chọn bộ sách này cho chắc chắn, do Bộ GD&ĐT biên soạn. Vô hình chung các bộ sách của các tổ chức cá nhân khác sẽ “đắp chiếu” để đấy, nhiều bộ sách sẽ bị phá sản. Nên đây cũng là điều phải tính đến.
Thứ hai,soạn SGK không phải việc dễ mà phải thành lập cả hội đồng, nếu chọn đúng theo tinh thần khoa học thì có bao nhiêu SGK thì những thành viên trong hội đồng phải đọc hết các bộ SGK, sau khi đọc xong có so sánh, nhận xét, đối chiếu với các bộ sách khác. Căn cứ vào thực trạng học sinh của cơ sở giáo dục sẽ chỉ ra bộ sách nào phù hợp và lúc đó mới đề nghị chọn. Do đó, quá trình lựa chọn bộ SGK là quá trình rất mất công.
Cho nên, khi có một bộ sách của Bộ ra thì không tránh khỏi tình trạng chọn bộ sách này đỡ phải đọc các bộ sách khác, đỡ chọn và đỡ mất thời gian, đặt niềm tin vào Bộ. Như thế, Bộ không muốn độc quyền cũng bị đẩy vào thế độc quyền.
Thứ ba, trong thời điểm hiện tại Bộ GD&ĐT cũng chưa khắc phục được những khó khăn Bộ gặp phải trong biên soạn sách như tác giả, công việc để chỉ đạo thực hiện chương trình GDPT 2018. Nên giờ yêu cầu Bộ ngay lập tức biên soạn một bộ SGK thì tôi nghĩ rằng đây là việc gây khó cho Bộ. Nếu cứ làm gấp như thế, chất lượng của sách cũng khiến nhiều người e ngại.
Theo tôi, Bộ có thể vẫn tiếp tục nghiên cứu để xây dựng một bộ SGK nhưng không phải trong thời điểm hiện tạimà theo một lộ trình nhất định, kỹ lưỡng và dành nhiều thời gian dành cho việc này – nếu thấy thực sự cần thiết và khả thi.
* Theo bà, hiện nay nếu biên soạn SGK thì cần phải lưu ý những vấn đề gì?
– Qua theo dõi các bộ SGK trên thị trường được cấp phép phát hành vẫn là những bộ SGK đại trà cho tất cả các đối tượng học sinh. Tuy nhiên, chúng ta có những đặc điểm riêng ở vùng miền, miền núi, đồng bằng, nông thôn, thành thị… Vì thế, khi biên soạn nhiều bộ SGK cần chú ý đến tính chất, đặc trưng vùng miền. Làm sao có những bộ SGK phù hợp với vùng miền hơn là việc tung ra quá nhiều bộ SGK để các cơ sở giáo dục loay hoay trong vấn đề chọn lựa.
* Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cần làm gì để chương trình GDPT 2018 đạt được nhiều nhất những kỳ vọng?
– Việc Bộ GD&ĐT cần làm trước mắt, về phía SGK Bộ nên có sự rà soát kỹ lưỡng, trong quá trình thẩm định nghiêm túc làm đối với những sai sót để kịp thời hiệu đính, điều chỉnh cho phù hợp–nếu cuốn SGK nào có những nội dung còn “sạn”,dù sai sót rất nhỏ.
Bên cạnh đó, gấp rút trong vấn đề đào tạo được giáo viên để có được đội ngũ giáo viên theo đúng lộ trình đảm bảo chất lượng. Để làm được điều này,cần quan tâm đến biên chế ngành giáo dục và các chế độ ưu đãi, thu hút học sinh vào khối trường sư phạm.
Đồng thời, Bộ cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận lớn trong quá trình thực hiện đổi mới chương trình giáo dục, đổi mới sách giáo khoa theo đúng Nghị quyết 29.
* Xin trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của bà!
Nguồn Hội Nhà văn Việt Nam
Truy cập hôm nay: 317294
Tổng lượt truy cập: 65628997