Bảo đảm tốt ANTT ở cơ sở thì mới phát triển ổn định, an toàn
Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hải Dương nhấn mạnh điều này khi trò chuyện với phóng viên Báo CAND liên quan một số nội dung của dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, ngày 12/9.
PV: Thưa đại biểu, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV và dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2023. Xin đại biểu đánh giá thêm về sự cần thiết ban hành dự án luật?
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Trước hết, cần khẳng định rằng, việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là cần thiết. Bởi vì, trong bối cảnh hiện nay, trước sự phát triển của kinh tế - xã hội, yêu cầu về công tác đảm bảo ANTT ngày càng tăng lên, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Bởi địa bàn cơ sở có ANTT tốt, thì mới có thể tạo nên một địa phương phát triển ổn định, an toàn.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga trả lời phỏng vấn Báo CAND.
Mặt khác, lực lượng đảm bảo ANTT chính ở cơ sở là Công an chính quy cấp xã, tuy nhiên, khối lượng công việc đang được giao và sắp tới sẽ được giao đối với Công an cấp xã là khá lớn. So với trước đây, nhiều nhiệm vụ mới đã được bổ sung như: tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm; xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu về căn cước; thực hiện các thủ tục đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy; thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy... nên nếu có thể xây dựng được một lực lượng được bồi dưỡng, huấn luyện bài bản nhằm hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện một số nhiệm vụ được giao sẽ góp phần san sẻ áp lực với lực lượng này, nâng cao chất lượng công tác quán xuyến địa bàn, sâu sát nắm tình hình, đảm bảo ANTT ở cơ sở của Công an cấp xã.
Thực tế, tại cấp cơ sở, chúng ta vẫn đang có một số lực lượng hưởng hỗ trợ hàng tháng để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến đảm bảo ANTT, đó là bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách. Tuy nhiên, có thể thấy, các lực lượng này hiện nay hoạt động không thống nhất, nhiều đầu mối theo dõi, chỉ đạo, nhiệm vụ có sự mâu thuẫn, chồng chéo. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động đảm bảo ANTT ở cơ sở hiện nay, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong công tác bồi dưỡng, huấn luyện thực hiện các nhiệm vụ được giao, thì cần phải thống nhất đầu mối, kiện toàn lực lượng với những tiêu chuẩn, yêu cầu cụ thể là cần thiết.
Công an phường 9, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên phối hợp bảo vệ dân phố tuần tra kiểm soát, bảo đảm ANTT trên địa bàn (ảnh: Công an Phú Yên).
PV: Bên cạnh đa số ý kiến thống nhất, cũng có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật để bao quát hết các lực lượng có tính chất tự nguyện, tự quản tham gia hỗ trợ Công an cấp xã, như: bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, bảo vệ chung cư... Quan điểm của đại biểu về vấn đề này?
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Điều 46 Hiến pháp năm 2013 quy định mọi công dân đều có nghĩa vụ tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Luật CAND (khoản 1, Điều 14) quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hoà XHCN Việt Nam và cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ CAND thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Cụ thể hoá Hiến pháp, Luật CAND và các luật có liên quan như Luật Thanh niên năm 2020, Pháp lệnh Cựu chiến binh năm 2005, Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) và điều lệ của các tổ chức hội, đoàn thể thì trên thực tế có nhiều lực lượng tình nguyện, tự quản tham gia hỗ trợ CAND trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT. Tuy nhiên, nếu hỗ trợ có tính chất thường xuyên, nòng cốt, có quá trình thực hiện lâu dài trên phạm vi toàn quốc thì chỉ có 3 lực lượng, đó là bảo vệ dân phố, dân phòng và Công an xã bán chuyên trách được tiếp tục sử dụng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Mục tiêu của việc xây dựng luật này là tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp, kiện toàn 3 lực lượng có sẵn thành một tổ chức với chức năng, nhiệm vụ tập trung, làm nòng cốt hỗ trợ Công an chính quy bảo vệ ANTT ở cơ sở. Đồng thời, tập trung nhân lực, tránh dàn trải gây lãng phí, cồng kềnh, chồng chéo, tạo thuận lợi trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ và đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, kỹ năng. Do đó, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các lực lượng tự quản khác như bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, bảo vệ chung cư... sẽ không phù hợp về vị trí, vai trò cũng như tính chất hoạt động giữa lực lượng do chính quyền thành lập với lực lượng hoạt động hoàn toàn tự quản hoặc theo hợp đồng dịch vụ bảo vệ. Vì vậy, tôi nghĩ việc không mở rộng phạm vi như quan điểm của Bộ Công an và Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh cũng là hợp lý.
Công an xã phối hợp lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân (ảnh: Nguyễn Bình).
PV: Một vấn đề còn ý kiến băn khoăn là việc luật hoá lực lượng này có làm tăng số lượng và tăng chi ngân sách? Chính phủ đã có báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự án luật gửi ĐBQH nghiên cứu, trong đó khẳng định, hiện các địa phương đang bảo đảm nguồn chi trả cho các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và khi kiện toàn thì thậm chí ngân sách còn giảm vì không phải chi trả cho nhiều lực lượng như hiện nay. Từ thực tiễn ở địa phương, xin đại biểu lý giải rõ hơn?
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Thực tế hiện nay, các địa phương trong cả nước đều đang bảo đảm ngân sách chi trả cho tổ chức, chế độ, chính sách, điều kiện hoạt động của 3 lực lượng: bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách tiếp tục thực hiện nhiệm vụ – là các lực lượng sẽ được tiếp tục sử dụng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở theo dự thảo luật. Tuy nhiên, mức chi trả hỗ trợ tại các tỉnh, thành phố là khác nhau.
Theo báo cáo đánh giá tác động chính sách của Bộ Công an, hiện nay, mức chi trả cho 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách tiêps tục thực hiện nhiệm vụ tại 63 tỉnh/thành phố như sau: Đối với các thành viên của lực lượng bảo vệ dân phố mức chi trả từ dưới 1 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. Đối với Công an xã bán chuyên trách mức chi trả từ dưới 1,5 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng/người/tháng. Đối với các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng, mức chi trả từ 300.000 đồng đến trên 1 triệu đồng/người/tháng.
Vì vậy, kiện toàn thống nhất các lực lượng, chức danh sẽ tạo điều kiện để tập trung, huy động nguồn lực kinh tế đầu tư cho hoạt động của một lực lượng chung, thống nhất thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở. Đồng thời, khắc phục thực trạng hiện nay khi việc chi trả chế độ, chính sách, trang bị phương tiện cho các lực lượng, chức danh tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở còn nhiều hạn chế và có sự chênh lệch giữa các địa phương; cũng như giảm gánh nặng cho ngân sách địa phương khi phải chi trả quá nhiều, dàn trải và thực tế rất khó thực hiện trong việc bảo đảm điều kiện hoạt động của các lực lượng, chức danh tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 300.000 người tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở tại các xã, phường, thị trấn, nhưng thời gian tới thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính theo Nghị quyết 35 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 thì con số này sẽ giảm. Về lâu dài, chi ngân sách cũng sẽ giảm và không phải chi trả cho nhiều lực lượng như hiện nay thì các địa phương sẽ có điều kiện tập trung nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để đảm bảo tốt hơn nữa về chế độ, chính sách, điều kiện hoạt động cho một lực lượng thống nhất.
Có thể thấy, dự thảo luật quy định theo hướng kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành, đã được thực tiễn kiểm nghiệm, sử dụng các nguồn lực lượng sẵn có, đang hưởng hỗ trợ từ ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở; do vậy, sẽ không làm tăng số lượng người tham gia, không làm tăng chi ngân sách và có tính khả thi. Đồng thời, các địa phương có thể căn cứ tình hình thực tiễn về nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở và số người đang được sử dụng thực tế để quyết định việc bố trí lực lượng phù hợp điều kiện, khả năng và yêu cầu của từng địa phương.
PV: Trân trọng cảm ơn đại biểu!
Nguồn Báo Công an nhân dân
Truy cập hôm nay: 316820
Tổng lượt truy cập: 64994476